Âm Thanh

Xưa có thằng bạn mê ngôn ngữ và âm thanh đến nỗi bật radio dò mấy đài tiếng Do Thái nghe mê mải, dù dĩ nhiên chẳng hiểu gì.

Thực ra âm thanh cho ấn tượng ngay từ đầu, ví dụ như tiếng Hàn rất khó chịu, tiếng Tây Ban Nha tạo thiện cảm rất nhanh, tiếng Pháp cho cảm giác tinh tế, tiếng Đức gây sợ hãi, tiếng Ý có âm điệu tình yêu, tiếng Anh rất có nhạc tính, và tiếng Nga cho mọi cảm xúc trên.

Tiếng Tàu thì không chấp, vì nó là tiếng Việt mà phát âm sai, thực ra là ngược lại!
Có thứ tiếng học mãi không được phải bỏ cuộc là tiếng Nghệ An, nghe gái nói nhiều khi như nghe tiếng chim bên gối. Nhớ lần đầu nghe qua điện thoại hoàn toàn không hiểu gì luôn…

//Có quyển sách gì quên tên, bảo đại ý nếu nói với kẻ thù thì tôi dùng tiếng Đức, nói với tình nhân thì tôi dùng tiếng Pháp, nói với Chúa thì tôi dùng tiếng Ý, nói với con ngựa thì tôi dùng tiếng Anh, còn nói với tất cả những đối tượng trên thì tôi dùng tiếng Nga.

Em 1

Xin cho con chữ tả thành
Hình ai đêm đó, trăng thanh gió hiền
Mi cong, mắt sáng dáng duyên
Thả ngang vai áo, tóc huyền vấn vương
Tôi về giữa phố mờ sương
Giọng ai nhẹ quá, đưa hương sang hè
Lòng tôi rộn tựa cánh ve
Nguyện chơi trọn khiếp, hát em nghe hè

Vũ Trụ và Phật

Thuyết liên kết lượng tử và Nguyên lý bất định đã chứng minh Tri kiến của Phật về Vũ trụ
Vũ trụ tồn tại vì có nhận thức của chúng ta

Ngày nay công nghệ đã chứng minh được những ý tưởng thiên tài của những bộ óc vĩ đại nhất của loài người từng xuất hiện, và kết quả của những nghiên cứu là chứng minh được thuyết Liên kết lượng tử. Và do đó nguyên lý bất định của Heisenberg đã được chứng minh, nó đưa con người đến hiểu biết về tính chất lượng tử của toàn bộ vật chất trong vũ trụ.

Nói đơn giản là về vũ trụ là

Các hạt cơ bản cấu thành lên mọi vật chất quả thật có những tính chất lượng tử , vậy thì người ta có thể kết luận một cách chắc chắn rằng Không gian, Thời gian và Số lượng là không có thật. Toàn thể vũ trụ chỉ là ảo hóa mà thôi. Đó chính là ý nghĩa triết học và ý nghĩa Phật pháp của nguyên lý bất định Heisenberg.

Nếu những hạt cơ bản cấu thành lên vật chất đều có tính chất lượng tử nghĩa là không có thật (non realism), không có vị trí nhất định (non locality) và không có số lượng (non quantity). Vậy những thể vật chất lớn chẳng hạn cái nhà, cái xe, bàn ghế giường tủ, sơn hà đại địa, biển đảo, hành tinh, mặt trời mặt trăng, các ngôi sao… vốn là do các hạt cơ bản hợp thành, cũng sẽ có tính chất lượng tử, vậy chúng chắc chắn cũng không có thật, chúng chỉ tồn tại để tương xứng với cái nhìn của chúng ta mà thôi.

Quan điểm của Phật giáo về Vũ trụ

Phật pháp từ ngàn xưa đã trả lời rằng cũng giống như vậy, thế gian chỉ là huyễn ảo mà thôi. Kinh Kim Cang nói rằng:

Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương, như chớp loé,
Hãy xem xét như thế.

Sở dĩ vật chất là huyễn ảo, là tưởng tượng, nhưng con người thấy rất thật vì một lý do hết sức cơ bản là tất cả các pháp (vật chất và hiện tượng ) đều không có tự tính, nghĩa là nó không có tính chất của riêng nó (hình thù, rắn lỏng khí …vị trí và ….) mà tính chất của nó có như ta thấy chỉ là do chính trong khoảnh khắc ta thấy đã phóng chiếu nó thành hình mà thôi. Thiếu đi nhận thức của ta thì nó không tồn tại.

Kinh Hoa Nghiêm nói:
Nhất thiết pháp vô tự tính.

Điều này có nghĩa là các hạt cơ bản của vật chất như photon, electron hay ngay cả các cấu trúc nguyên tử, phân tử không hề có đặc trưng. Chúng chỉ có đặc trưng khi có người, sinh vật hay thiết bị, quan sát hoặc đo đạc chúng. Chính vì chúng có mối quan hệ nội tại giữa một bên là chủ thể (người quan sát) và một bên là đối tượng (hạt electron hay nguyên tử). Chủ thể gán ghép tưởng tượng của mình cho đối tượng khiến cho đối tượng có đặc trưng và trở thành hạt vật chất. Mối quan hệ nội tại đã được chứng tỏ trong hiện tượng liên kết lượng tử (quantum entanglement). Và sự gán ghép đặc trưng đã được Niels Bohr nêu ra và Alain Aspect đã chứng minh trong thí nghiệm tiến hành năm 1982 tại Paris.

Vì vậy nên PG nói rằng tất cả đều là do tâm tạo.

Chính vì vật chất có một mức độ tương đối bền vững nên con người thường tưởng rằng vật chất có thật. Mức độ tương đối bền vững của vật chất do tính bền vững của hạt proton và neutron, chúng tạo thành hạt nhân nguyên tử. Sự bền vững là do hiện tượng giam hãm (confinement) của các hạt quart cấu thành các hạt này. Nguồn gốc của hiện tượng giam hãm là do tâm cố chấp kiên cố.

Cuối cùng thì sau hơn 2600 năm khoa học cũng đã chạm đến những miêu tả đầu tiên của Đức Phật về thế giới và vũ trụ, những tri kiến của Phật về thế giới và con người.
Nhưng khi Phật còn tại thế, ngài đã nhiều lần im lặng trước những câu hỏi về vũ trụ của người đời, bởi Phật thấy rằng đó không phải là những điều mà con người cần biết, dù con người có biết hết các bí mật của Vũ trụ thì đến lúc cuối cùng con người mới chịu nhận ra tất cả đều vô ích. Bởi họ sẽ nhận ra trong tâm họ đã chứa đủ cả Tam thiên Đại thiên thế giới ( cả Vũ trụ trong 3 thời quá khứ, hiện tại và tương lai ), và chỉ có con đường diệt tận khổ đau là con đường chân chính duy nhất, kỳ diệu hơn cả Tam thiên Đại thiên thế giới.
Khoa học đã chứng minh được thuyết liên kết lượng tử và nguyên lý bất định, từ đó khẳng định vật chất, không gian và thời gian – ba yếu tố cấu thành toàn bộ Vũ trụ đều không có thật, chúng chỉ tồn tại khi có nhận thức của chúng ta. Và con người chỉ có một mục tiêu duy nhất mà cả vũ trụ này hiện hữu để phục vụ – Chính là diệt tận khổ đau

Phật đã trình bày phương pháp, con đường để con người thực hiện được con đường đó, đi theo đúng dấu chân của Ngài.

Vladimir Nabokov

…Có những khoảnh khắc thế này, khi tất thảy trở nên kỳ quái, sâu không đáy, khi dường như sống mới đáng sợ làm sao và chết lại còn đáng sợ hơn. Và bỗng dưng, trong lúc đi vùn vụt như thế trong thành phố ban đêm, ta nhìn qua nước mắt vào những ngọn đèn và bắt được trong chúng một hồi ức hạnh phúc chói lòa tuyệt đẹp, — một gương mặt phụ nữ, nổi lên lại sau nhiều năm quên lãng trên đường đời, — bỗng dưng, trong lúc đi vùn vụt và phát điên lên như vậy, một khách qua đường lễ phép chặn bước chân ta lại để hỏi, làm sao đi đến con phố nào đó — bằng một giọng nói bình thường, nhưng không bao giờ ta còn được nghe lại nữa.

Vladimir Nabokov

Nabokov có nhiều đoạn rất hay, khi đọc xong chúng ta cảm thấy cái đẹp của sự cô đơn nhiều lắm.

Anh lại chạy trên đường mòn dọc theo những bụi trăn. Anh cảm thấy mình được gột rửa trong nỗi buồn kẻ khác, rạng rỡ bằng nước mắt kẻ khác. Đó là cảm giác hạnh phúc, và từ dạo ấy anh chỉ thỉnh thoảng mới được nếm trải nó dưới dạng cái cây cong, chiếc găng rách, con mắt ngựa. Cảm giác ấy hạnh phúc do nó tuôn chảy hài hòa. Nó hạnh phúc như mọi chuyển động, mọi bức xạ. Anh từng bị đập tan thành triệu triệu sinh thể và vật thể, hôm nay anh hợp lại thành một, ngày mai anh lại bị đập tan ra lần nữa. Và mọi thứ trên đời này luân chuyển như vậy. Hôm ấy anh ở trên đỉnh sóng, biết rằng mọi thứ quanh anh — những nốt nhạc của cùng một sự hài hòa, biết — một cách bí mật — các thanh âm tụ hợp trong khoảnh khắc đã nảy sinh ra sao, phải được giải quyết thế nào, và hợp âm mới nào sẽ được gọi lên từ từng tờ nhạc bay tung. Trong sự hài hòa không thể có tính ngẫu nhiên. Nhạc cảm lòng anh biết hết, hiểu hết mọi điều.

Và Nabokov cũng rất tinh tế

— Anh biết em đã quyết định gì không? Này nhé. Em không thể sống thiếu anh. Em sẽ nói với anh ấy như vậy. Anh ấy sẽ cho em li dị ngay. Và khi ấy chúng mình có thể, xem nào, vào mùa thu…
Anh ngắt lời em bằng sự im lặng của mình. Vết nắng trượt từ váy em xuống cát: do em hơi dịch người đi.
Anh có thể nói gì với em? Tự do? Ngục tù? Không đủ yêu em? Không phải thế.
Một khoảnh khắc trôi qua; trong khoảnh khắc ấy, trên trần gian xảy ra nhiều chuyện: đâu đó có con tàu khổng lồ chìm xuống đáy, người ta tuyên chiến, một thiên tài được sinh ra. Khoảnh khắc ấy đã trôi qua.

Thanh âm
Vladimir Nabokov

Điện ảnh có thế mạnh đặc biệt về âm thanh, ánh sáng, diễn xuất, nhưng văn chương lại có thế mạnh đặc biệt về nhịp điệu và ngôn ngữ.
Nabokov luôn nhấn mạnh rằng văn chương cực kỳ cần chi tiết, các chi tiết thần thánh. Nên các bạn đọc văn chương hãy chú ý tối đa đến chi tiết.
Trong Gatsby vĩ đại có một chi tiết rất nhỏ, nhưng thường bị dịch sai, làm câu văn ngớ ngẩn, dù có thể độc giả không nhận ra.

Khi một cô gái trong buổi tiệc nói rằng có lần cô ấy làm rách váy, thế là Gatsby gửi cho một chiếc váy hàng hiệu mới, nhưng nó “but it was too big in the bust and had to be altered.” Nghĩ là quá rộng ở ngực và phải sửa. Bản Việt Nam dịch là nó quá rộng bụng nên phải sửa. (Tôi định mặc tối nay nhưng nó rộng bụng, phải sửa lại.)

Các bạn có thấy gì khác biệt không?

Khi người đàn ông mua váy cho gái mà mua rộng ở ngực thực ra là một lời khen ngấm ngầm, ý nói tôi đánh giá cô cao hơn, tôi hơi nhầm một tí thôi… Và dù phải sửa váy nhưng cô gái rất vui. (Vì anh ấy nghĩ mình có ngực to).
Sự tinh tế làm nên các tác giả lớn, dù sự tinh tế đó không phải ai cũng hiểu.
Sửa thành rộng bụng thì thôi còn gì để nói, ngang với chửi gái! Đúng là… nhà quê.

Niềm vui của kẻ bộ hành đó

-Nhìn xem em, từ góc độ này thì cuộc sống thật đơn giản nhỉ.

Chúng tôi đưa nhau về ngồi bên ngôi đền, ngắm chiều nhích từ ngày qua đêm. Chiều chậm rãi chuyển động nhẹ nhàng, rán đỏ khung trời rộng. Tiếng phà, tiếng xà lan vang vọng mãi con sông dài, đôi sẻ non gọi trăng giữa trời, trời chợt thả rơi vài ngôi sao, sáng lên như mắt em. Hai chiếc lá khẽ rơi gần nhau. Tim tôi ửng hồng

-Nhưng em tin được không, từ bãi đá, từ cồn cát này, từ cỏ, từ cây này đã làm cho cuộc sống con người tiến hóa thật nhanh. Họ chặt cây tạo ra nhà, họ hút cát tạo ra bình hoa, họ ngắt cỏ để làm thảm, họ phá đá để làm tường và họ quên mất ngôi nhà thân thương của thiên nhiên.

Anh luôn muốn sống cùng với những thứ mà họ bảo là ảo vọng đó, và, anh cũng trân trọng nó theo cách một người thả nốt mực đầu tiên của mình trên khung vẽ, anh yêu thiên nhiên, anh yêu cỏ cây và những con người. Anh được dạy và cũng nhận ra rằng, con người là thiên nhiên, và thiên nhiên cũng chính là con người. Tất cả được tạo nên bởi những câu chuyện với người đàn ông và cây đại thụ. Cái đẹp chỉ là sự đánh giá phỉnh phờ của mấy ông say sỉn giữa đời. Chúng ta sống cùng thiên nhiên, sống giữa mọi người. Thế nhưng, đôi lúc anh tự hỏi, tại sao, chúng ta, lại xa, xa vời quá.

Anh luôn quên những cách để mình trở nên thật giàu có hoặc điều gì đó tượng tự vậy, những ngày dài thật buồn, lê thê qua những khuông nhạc, anh đã đi lang thang giữa đường, đưa cho những người độc bộ, hành khất chút niềm vui mà anh chẳng thấy xung quanh anh. Đúng không em, con người là những sinh vật ích kỉ. Đúng không em.

Tối qua, anh thấy một người đàn ông dẫn theo một chú bé nhỏ, anh đi cùng họ qua dãy Tràng Tiền, anh về cùng họ cả đoạn Đồng Xuân, anh ngắm cùng họ những mảnh màu Hồ Gươm, và anh lang thang cùng họ trong tâm trí anh. Anh nhận thấy rằng, họ chẳng ngước lên những ngồi nhà đồ sộ, họ chẳng mấy bận tâm những chiếc xe kéo ầm vang con phố, họ chẳng ngắm những cô gái xinh đẹp họ cũng chẳng buồn quan tâm đến việc thế giới này biến đổi ra sao. Họ chỉ cần đủ no cho đứa con họ. Vậy là trôi qua một ngày hạnh phúc.

Trong phút chốc, anh chợt nghĩ về việc, tại sao chúng ta, đang nói chuyện, cùng nhau, lại quan tâm ở tận đâu nào đó. Tại sao chúng ta, ngồi lại đây, cùng nhau, mà mải nghĩ xa vời. Tạo sao chúng ta, đi, cùng nhau, mà tâm trí lại mơ hồ quá. Có chăng, chúng ta đã đối xử thật quá đáng với khoảng cách, với tinh thần, với địa vị, với tiền bạc rồi chăng.

Anh đã từng nghĩ về việc, mình cho họ khi cho người độc bộ đó tiền. Anh cũng từng nghĩ về việc, mình không cho họ cũng không cho những kẻ mộng du đó tiền. Nhưng, nếu ai đã từng thực tâm, cho người bộ hành đó tiền. Bạn sẽ biết, bạn không cho họ cái gì đó, bạn cho chính chúng ta niềm vui.

Niềm vui của kẻ bộ hành đó.

Anh đã đi nhiều nơi, anh gặp nhiều người, anh được nghe câu chuyện của họ. Có người khóc, có người cười, có người đã chẳng còn gì trên nét biểu cảm của họ, ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng cô đơn. Anh và họ, những con người xa lạ đó, đã gặp nhau trên một quãng cắt ngang con đường đời, họ mời anh đi một đoạn cùng họ, và anh luôn sẵn lòng cho điều đó. Anh như kẻ lao công cần mẫn, rót từng ly rượu tàn, gạt từng điếu thuốc cuối, để mà buồn phiền, để mà cô đơn. Anh đi tới đi lui với câu chuyện người khác, và nhiều khi, anh thấy mình anh, cô đơn trong chính câu chuyện của mình. Anh biết thật không tốt khi nói về nó như một cách để cứu rỗi, dù rằng chỉ là cho anh hoặc những người đã từng khuất phục như anh. Nhưng, như bác Trịnh, anh cũng không khuyến khích sự khổ hạnh, và, mỗi chúng ta, hãy thử sống, cùng một lúc, vừa là kẻ chiến thắng vừa là kẻ thất bại. Nỗi vinh nhục đã mang ta ra khỏi đời sống, và đưa đến những đấu trường.

Nguyễn Huy Thiệp

Lúc sống người ta đóng sách của ông, bọc da sáng loáng rồi gửi ra nước ngoài bán, ở Việt Nam thì tuyệt nhiên không ai biết, thích, và đọc sách của ông. Đến lúc mất, họ lại đào văn của ông lên và ỉ ôi theo đúng cách mà vợ cả ông giáo Quỳ đã tha thứ cho vợ hai vậy =))))
Sách của ông bọc da, bán một quyển bên bển hơn 10tr đồng, để rồi khi chết, cả gia đình không còn đủ mua một quyển sách bọn dân AnNam bán ra ngoài của ông
Than ôi cũng một phận, đừng nghĩ đến lợi, nghĩ đến lợi nhọc thân.

Tuyệt vọng 1

Và, liệu, con có thể chạm tay vào một, dù chỉ là một trong những ngôi sao đó
Cho dù chỉ là một thôi, một trong những ngôi sao đó
Thằng nhóc nói có, và đặt tay lên mặt đất.

Tôi cứ băn khoăn mãi, không phải là vì ý nghĩa, mà là vì con người đó đã đủ lớn thế nào, để viết ra câu đó.

Mẹ ông mất, nếu ai đó chưa hiểu, hoặc cũng có thể hiểu như một kẻ lấm lét giữa đời, ôm cái giấc mộng xa vời mà chẳng biết đến đâu, đến chính kẻ đó, xa vời, mà chẳng biết đến đâu. Bất giác, giật mình, nhún vai, ngả lưng, buông sõng cả tay lẫn chân, mà nhận ra rằng, kẻ đó, đã đi lại hoài trên một ngôi sao, ngôi sao mang tên trái đất.

Nghe nhạc DSK, lại thấy nhớ, chút gì đó, giống với Van Gogh. Nhưng DSK có phần chống trả lại cái tôi, cái con người, cái xã hội, cái vận mệnh, cái nghiệp, cái đạo đầy đọa mình hơn là những người tận hưởng chúng như Van Gogh, cả 2 đều có nỗi buồn riêng, những cái đẹp riêng của nỗi buồn. Nên sự so sánh sẽ là khập khiễng, nhưng con người, ai cũng thế, họ sinh ra đã khóc, lớn lên bằng niềm đau thể xác của người mẹ, có chăng, như F. Scott Fitzgerald nói trong Gastby Vĩ Đại, “Nỗi buồn, là thứ duy nhất con người thực sự sở hữu. “

Nếu có những kẻ bảo họ không biết buồn, những kẻ sáng ra thức dậy, ngáp ngắn, ngáp dài, quấn tóc, chải son, với đôi tay to mọng, vén màn cửa sổ, nhưng chẳng chút bận tâm đến Nhật Nguyệt. Thì hãy mừng cho họ, chí ít ra khi vào cuộc chơi, họ không biết gì về chiến thắng, thì họ cũng chẳng mấy bận tâm về thất bại. Thậm chí, họ còn chưa từng thực sự vào cuộc chơi để chơi một cách đúng nghĩa. Hãy mừng cho họ.

Lại nói về Van Gogh. Ông buồn, vâng, tất cả đều biết ông buồn, những kẻ trọc phú mù chữ, tấm tắc khen, vui vẻ trả giá, và đẩy cái nỗi buồn ấy lên lơ lửng, trong khi người họa sĩ lại ở sâu dưới đất. Họ tấm tắc khen rằng, người họa sĩ đó vẽ thật đẹp. Nhưng mấy ai biết, không gì đẹp hơn nỗi buồn của ông.

Như Trịnh Công Sơn có từng đề 1 đoạn intro

-Hãy đi đến tận cùng Tuyệt Vọng. Để thấy, Tuyệt Vọng, Cũng đẹp như một bông hoa

Giáo dục Đông Lào.

Nhân dịp chính thức có tân thượng thư ngành giáo dục, cũng là lâu lắm mới có dân Hán học xịn được nhận lĩnh trọng nhiệm, khiến kẻ này dù đã ở tuổi ngày ngày trà nước không màng thế sự, vẫn lại thấy chẳng thể yên lòng, rằng nếu bậc sĩ phu mà thờ ơ, phong khẩu, chẳng quan tâm tới việc hưng khởi giáo hoá, thì sẽ thành để mặc bọn ác bằng bí vi gian, phá hoại giáo dục nước nhà để trục lợi chăng? Nên đành phải vén tay áo lụa, mài mực Tùng Yên, chấm ngòi Tô Mặc mà viết mấy dòng tâm – tút.

Như kẻ già này đã nói hàng vạn lần, rằng muốn có được một nền giáo dục chất lượng, thì trước hết phải xây dựng một nền văn hoá trọng giáo dục. Giáo dục và văn hoá không bao giờ tách rời được nhau, chúng như thổ nhưỡng và ngũ cốc vậy. Văn hoá đề cao cái sự học, thì cũng như đưa lúa tốt cho Hậu Tắc xuống giống đúng vụ Chiêm xuân. Còn nếu văn hoá đề cao hiệp sĩ, thì cũng như gieo đậu mọt trên sân gạch vào ngày Hạ Chí, dẫu mời được Trọng Ni ngồi nhậm chức ở Cầu Dền, thì cũng chỉ biết ngửa mặt lên trời mà khóc bài Lưu Thuỷ.

Các quốc gia với văn hoá khác nhau sẽ có trình độ giáo dục giỏi dốt không giống nhau. Các địa phương có lịch sử xa nhau thì thành tích học hành cao thấp chênh lệch nhau, đó là thứ mà ai cũng biết vậy. Khác biệt từ con người chỉ chiếm một phần nhỏ mà thôi, văn hoá mới là thứ quyết định. Khi phong hoá trải nhiều thế hệ đã thấm nhuần cái tinh thần hiếu học của Thánh Hiền, thì bất kể nhu cầu tri thức nào mà thời đại đòi hỏi, cũng đều có những học bá phát tích ra trong phút mốt. Cần phải nhắc lại, 100% các trí thức nổi tiếng, tài năng nhất của Việt Nam thời bắt đầu chuyển sang Tây học, đều có gốc từ các gia đình nhà Nho.

Truyền thống tôn sư trọng đạo, coi việc học là ưu tiên cao nhất của Nho Giáo, nó thể hiện ngay từ những hành động rất bình thường như vặn nhỏ TV vào giờ học tối của con cái, chuẩn bị đồ ăn sáng, khuya, hỏi han bài tập, thành tích, thường xuyên liên lạc với giáo viên… Đây đều là những kinh nghiệm giáo dục ở gia đình đã được truyền lại từ hàng nghìn năm, trải qua vô vàn sự thay đổi về phương thức và nội dung giáo dục của các triều đại, chế độ cai trị khác nhau, nhưng vẫn luôn được chứng minh là hiệu quả nhất.

Có lẽ chúng ta đã hiểu sai ý nghĩa của xã hội hoá giáo dục. Xã hội hoá giáo dục, không thể hiểu theo nghĩa xôi thịt, mông muội là “cho tư nhân tham gia kinh doanh giáo dục”, dù điều này không hẳn là xấu hoàn toàn, nhưng nó chỉ chiếm một phần rất nhỏ của mệnh đề. Xã hội hoá giáo dục, phải là biến giáo dục thành sự nghiệp chung của xã hội, nó đòi hỏi một phổ tư duy, hành động rộng lớn, thống nhất và liên tục, từ những phát ngôn, hành động sâu sát của lãnh đạo, sự thấu hiểu, hợp tác toàn diện của phụ huynh, sự chung tay, không vụ lợi của cả những người dưng trong cả nước, sao cho trung tâm của mọi sự ưu tiên phải được dành cho những người dạy và người học. Đó mới là xã hội hoá giáo dục chân chính.

Cái vấn đề của giáo dục thời nay, là ở chỗ tri thức bị rẻ rúng chăng? Kim tiền được quá trọng, khiến nghiên bút chẳng còn đắc dụng chăng? Nghĩ về thế sự mà không khỏi đau lòng, thật là giày mũ đảo điên, lũng gò đổi chỗ, phường con buôn ít học, xướng ca vô loài thì ngồi Thất Hương Xa, bậc trí giả thông tuệ, hàn lâm bác sĩ thì áo cừu rách nát, khiến cho bao kẻ bụng đầy kinh thuật phải nguội lòng. Sợ tới lúc tiếng bàn Thi Thư im bặt miếu Tích Ung, rau lê rau hoắc mọc kín sân tiền nhà Thái Học, thì dẫu có cho Trương Tái ngồi trên da hổ mà giảng Tây Minh, thì giáo dục, cũng chẳng thể nào chấn hưng lại được nữa.
Thế nên, cần sớm làm 2 việc, đó là đưa Chữ Hán vào giảng từ lớp 1, và dạy Tam Tự Kinh từ tuổi mầm non, đó là 2 thứ căn bản nhất của văn hoá và di sản Nho Giáo của chúng ta, đã bị đứt đoạn 100 năm qua. Chỉ có khôi phục lại văn hoá Nho Giáo, theo cách mà người Hàn đã làm và người Trung Hoa đang làm, thì mới có thể xây dựng một nền văn hoá hiếu học, tôn sùng tri thức, và về lâu dài, xã hội này sẽ tự nó thịnh vượng, ổn định và hài hoà hơn rất nhiều so với một xã hội đua nhau kiếm tiền bằng mọi giá. Đã giỏi, thì yên tâm là sẽ không bao giờ nghèo cả.

Chăm chỉ học tập không bao giờ là sai, Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, chẳng thể nào là cổ hủ, kính trọng thày cô, yêu trường mến bạn, những thứ đó dù vạn năm nữa, vẫn là những cái cơ bản để định nghĩa chúng ta là một con người có giáo dục. Cần phải chấn hưng lại tinh thần Khổng Tử, mở lại Quốc Tử Giám như một trường đại học biểu tượng tinh thần để quy tụ hiền sĩ, là nơi tôn nghiêm mà ngay cả bậc vạn thặng cũng phải lui tới mà học cái thuật trị nước an dân, như khi xưa vua Tề đứng đầu chư hầu liệt quốc, vẫn phải cúi đầu nghe Tuân Tử giảng ở Tắc Hạ Học Cung vậy. Khi giáo hoá đã thấm đẫm dân gian, kinh điển chép đầy tre lụa, trong nước kẻ sĩ ngó thấy mặt nhau trên đường lớn, thì cái việc vua tay chắp sau lưng mà thiên hạ vào chầu, chân chẳng rời chiếu mà bốn phương đều trị, cũng chẳng phải là xa vời vậy.

Vua Sở thích eo thon, trong cung có người nhịn ăn mà chết. Vua Việt yêu dũng sĩ, trong nước có kẻ tự chặt đầu dâng lên. Vua Ngô muốn binh khí tốt, có tên thợ diết hai con lấy máu rèn câu liêm mang đến chầu ở cửa khuyết, từ xưa tới nay, dân nhìn cái lòng yêu ghét của bậc chí tôn để hành động, vốn là điều thiên kinh địa nghĩa vậy. Nay cái việc gắng sức chăm chỉ học giỏi, xét ra so với chết đói, chặt đầu, diết con, thì cũng chưa có gì là quá mức cả, cái bổng lộc, thí thưởng, tán dương dành cho sĩ nhân ưu tú, cân đong so với lợi ích mà họ đem lại cho nước nhà, thì cũng chẳng có gì là đắt đỏ cả. Chỉ sợ bậc Tam Công không có lòng yêu kẻ sĩ, chỗ Cửu Khanh chẳng lấy khuyến học làm lo lắng hàng đầu, còn một khi trong ngoài đã có tâm ngóng hiền tài như khát nước, trên dưới dùng cỗ Thái Lao mà đãi kẻ áo vải hiền lương, thì khắp đất vuông nghìn dặm của Đông Lào, nhân tài kiệt xuất, lúc nào cũng có thể lấy xe voi mà chở vậy.

Thăm Bà

Con về thăm bà, chiều tháng ba
Bưởi chưa ra trái, mướp chưa hoa
Mà sao trở trời, mưa gió lạnh
Băng ca, giường bệnh, nỗi nhớ nhà

Xuân vừa ẵm lá, xuân đã qua
Trời nay thay áo, đất thay da
Tuổi người, tuổi trời xa xôi mãi
Bà nhìn con mãi nhận chẳng ra

Con nâng tay bà, tay gầy quá
Thời gian như sóng, sóng hằn da
Ông cười, cười buồn. Bà không nhớ
Ông buồn buồn cõi, ta với ta

Già hóa trẻ thơ, trẻ hóa già

The Coffee House

Vào quán The Coffee House cũ mà không thấy bác giữ xe quen thuộc đâu, thay vào đó là một nhân viên của quán. Hỏi thì ra bác đã nghỉ vì lương thấp quá, dù làm đó cũng vài năm rồi.

Bên trong toàn nhân viên mới, nhiệt độ không đủ lạnh, không có nước đá, không có khăn giấy, thậm chí không có cả các gói đường ở quầy tự phục vụ.

Nhớ hồi chuỗi quán cà phê này mới ra đời, nó có một đặc điểm làm anh rất thích là đá của nó cũng là cà phê – một sáng tạo thú vị vì giữ được độ đậm cho cà phê đến cuối cùng.

Quán thường rất lạnh, thậm chí phải tránh máy lạnh, wifi mạnh, các thứ linh tinh có sẵn ở quầy tự phục vụ, và đặc biệt là nhân viên rất vui vẻ, thậm chí các em còn quỳ xuống khi đưa cà phê.
Thẻ vàng hay platinum gì đó còn được tặng 1 ly sau khi uống độ chục ly gì đó, nói chung là giảm khoảng 10%. Giá ly nhỏ nhất là 29 ngàn, như vậy thì giá cho khách quen chỉ khoảng 26 ngàn. Còn bây giờ toàn khuyến mãi ba cái gì đâu, thẻ rất vô nghĩa.

Biết là chuỗi The Coffee House đang lỗ nặng, và buộc phải cắt giảm chi phí. Nhưng cắt giảm chất lượng là việc rất dở. Và sự hài lòng của khách hàng mới tạo nên giá trị thương hiệu. Một điều rất đáng lưu ý là sự hài lòng của khách hàng nội bộ còn quan trọng hơn là của khách hàng bên ngoài. Nếu như nhân viên không vui, người giữ xe phải bỏ đi,… thì điều đó là những dấu hiệu rõ nhất về việc quán sẽ phá sản.

Nhân viên là bộ mặt doanh nghiệp, nên gái các ngân hàng lớn bao giờ cũng đẹp hơn gái các ngân hàng nhỏ. Có thời các ngân hàng hay đẩy các cô đang có chửa ra ngồi quầy, không rõ do ngồi quầy thì dễ có chửa, hay có chửa thì phải ra ngồi quầy, nhưng sự thực là thế. Gần đây anh để ý các ngân hàng lớn đã thôi không làm thế nữa. Các em gái ngồi quầy khá đẹp và ít em chửa. BIDV Tp HCM còn để 4 em như hoa hậu ngồi ngay cái chỗ ngớ ngẩn nhất là chỉ dẫn cho khách hàng xem phải bấm nút nào.

À anh lại lan man. Quay về The Coffee House. Thực sự tiếc cho một thương hiệu tốt, có phong cách và có tham vọng. Nhưng nếu nó cứ thế này thì e rằng sẽ sớm sập tiệm thôi. Hãy nhìn qua Highlands, bao nhiêu năm nay nó gần như không thay đổi gì mà chỉ tốt lên. Giá ly cà phê vẫn 29 ngàn sau hơn chục năm, chất lượng chung vẫn vậy, và nó cho một cảm giác có sinh khí hơn nhiều.

Nhân thể, giá ly cà phê nhỏ nhất của The Coffee House cũng nâng lên 32 ngàn rồi, dù không nhiều nhưng thực sự tạo cảm giác khó chịu, ít nhất là với anh, người luôn coi màu tím 10% trên bảng điện là màu của thiên đường.
The Coffee House nên sớm lấy lại những gì đã tạo nên sự khác biệt của mình, từ viên đá trong ly cà phê, độ lạnh trong quán, cho đến nụ cười của nhân viên.