…Có những khoảnh khắc thế này, khi tất thảy trở nên kỳ quái, sâu không đáy, khi dường như sống mới đáng sợ làm sao và chết lại còn đáng sợ hơn. Và bỗng dưng, trong lúc đi vùn vụt như thế trong thành phố ban đêm, ta nhìn qua nước mắt vào những ngọn đèn và bắt được trong chúng một hồi ức hạnh phúc chói lòa tuyệt đẹp, — một gương mặt phụ nữ, nổi lên lại sau nhiều năm quên lãng trên đường đời, — bỗng dưng, trong lúc đi vùn vụt và phát điên lên như vậy, một khách qua đường lễ phép chặn bước chân ta lại để hỏi, làm sao đi đến con phố nào đó — bằng một giọng nói bình thường, nhưng không bao giờ ta còn được nghe lại nữa.
Vladimir Nabokov
Nabokov có nhiều đoạn rất hay, khi đọc xong chúng ta cảm thấy cái đẹp của sự cô đơn nhiều lắm.
Anh lại chạy trên đường mòn dọc theo những bụi trăn. Anh cảm thấy mình được gột rửa trong nỗi buồn kẻ khác, rạng rỡ bằng nước mắt kẻ khác. Đó là cảm giác hạnh phúc, và từ dạo ấy anh chỉ thỉnh thoảng mới được nếm trải nó dưới dạng cái cây cong, chiếc găng rách, con mắt ngựa. Cảm giác ấy hạnh phúc do nó tuôn chảy hài hòa. Nó hạnh phúc như mọi chuyển động, mọi bức xạ. Anh từng bị đập tan thành triệu triệu sinh thể và vật thể, hôm nay anh hợp lại thành một, ngày mai anh lại bị đập tan ra lần nữa. Và mọi thứ trên đời này luân chuyển như vậy. Hôm ấy anh ở trên đỉnh sóng, biết rằng mọi thứ quanh anh — những nốt nhạc của cùng một sự hài hòa, biết — một cách bí mật — các thanh âm tụ hợp trong khoảnh khắc đã nảy sinh ra sao, phải được giải quyết thế nào, và hợp âm mới nào sẽ được gọi lên từ từng tờ nhạc bay tung. Trong sự hài hòa không thể có tính ngẫu nhiên. Nhạc cảm lòng anh biết hết, hiểu hết mọi điều.
Và Nabokov cũng rất tinh tế
— Anh biết em đã quyết định gì không? Này nhé. Em không thể sống thiếu anh. Em sẽ nói với anh ấy như vậy. Anh ấy sẽ cho em li dị ngay. Và khi ấy chúng mình có thể, xem nào, vào mùa thu…
Anh ngắt lời em bằng sự im lặng của mình. Vết nắng trượt từ váy em xuống cát: do em hơi dịch người đi.
Anh có thể nói gì với em? Tự do? Ngục tù? Không đủ yêu em? Không phải thế.
Một khoảnh khắc trôi qua; trong khoảnh khắc ấy, trên trần gian xảy ra nhiều chuyện: đâu đó có con tàu khổng lồ chìm xuống đáy, người ta tuyên chiến, một thiên tài được sinh ra. Khoảnh khắc ấy đã trôi qua.
Thanh âm
Vladimir Nabokov
Điện ảnh có thế mạnh đặc biệt về âm thanh, ánh sáng, diễn xuất, nhưng văn chương lại có thế mạnh đặc biệt về nhịp điệu và ngôn ngữ.
Nabokov luôn nhấn mạnh rằng văn chương cực kỳ cần chi tiết, các chi tiết thần thánh. Nên các bạn đọc văn chương hãy chú ý tối đa đến chi tiết.
Trong Gatsby vĩ đại có một chi tiết rất nhỏ, nhưng thường bị dịch sai, làm câu văn ngớ ngẩn, dù có thể độc giả không nhận ra.
Khi một cô gái trong buổi tiệc nói rằng có lần cô ấy làm rách váy, thế là Gatsby gửi cho một chiếc váy hàng hiệu mới, nhưng nó “but it was too big in the bust and had to be altered.” Nghĩ là quá rộng ở ngực và phải sửa. Bản Việt Nam dịch là nó quá rộng bụng nên phải sửa. (Tôi định mặc tối nay nhưng nó rộng bụng, phải sửa lại.)
Các bạn có thấy gì khác biệt không?
Khi người đàn ông mua váy cho gái mà mua rộng ở ngực thực ra là một lời khen ngấm ngầm, ý nói tôi đánh giá cô cao hơn, tôi hơi nhầm một tí thôi… Và dù phải sửa váy nhưng cô gái rất vui. (Vì anh ấy nghĩ mình có ngực to).
Sự tinh tế làm nên các tác giả lớn, dù sự tinh tế đó không phải ai cũng hiểu.
Sửa thành rộng bụng thì thôi còn gì để nói, ngang với chửi gái! Đúng là… nhà quê.