Tuổi

Tuổi này là độ tuổi mà cơ thể và tâm sinh lý nó không còn non tơ và hồn nhiên như mấy anh teen mới dậy thì, nhưng cũng không quá trải đời như mấy bác xe ôm có vầng trán đầy nếp nhăn, da đen màu bánh gai gác bếp quá lửa 3 tháng trời, mắt xa xăm, kéo xoạch xoạch bi thuốc lào, phả dài dưới tán cây

Tuổi này là cái tuổi mà chưa phải chín, cũng chẳng phải tám, có thể là bảy hoặc bảy phảy năm, theo hệ 100, ngoảnh lại thì thấy đường mình đi dài thoòng, nhìn ra trước thì còn dài hơn, lê thê nửa đen nửa sáng, nửa kín nửa hở,…

Tuổi này là cái tuổi không quá nhiều cũng chẳng có ít, nhưng dường như cả niềm đau và hạnh phúc, in chặt thớ thịt, đôi lúc nhớ lại thì bật cười, lắm lúc lại buồn buồn, tủi tủi, lắm lúc lại muốn gọi tất cả lũ bạn, nhậu một bữa quên trời lỡ đất, nhiều khi thì lại lủi thủi một mình, mặt đần thối như đêm 30 mèo tha mất con gà cúng, hay tối thứ 7 ở nhà chờ crush đi chơi về

Nhìn lại những năm đã qua, điều hoành tráng nhất tôi từng làm là bỏ nhà đi giữa đêm, một ngày trời mưa tầm tã, không ai biết và về trong một ngày nắng to, đủ can đảm nói với bố mẹ là con đã biết cần làm gì. Điều thất bại đáng tự hào nhất là dừng lại với một vài người con gái, và giờ họ giàu

Có dân chơi nào đó từng phán: ” Lúc bạn ra quyết định thì số phận bắt đầu được tạo lập”. Nói chơi chơi mà cũng đúng. Bắt đầu tập tành lắng nghe, thấu hiểu đã giúp tôi học được nhiều thứ, cho tôi cũng rất nhiều thứ và lấy đi của tôi… cũng không ít thứ.

Cứ cuốn theo cuộc chơi đầy ham thích, tôi dần dần thay đổi vị thế bản thân mình, cũng như vô tình thay đổi toàn bộ các mối quan hệ xung quanh, tôi tự đánh mất hoặc người ta không muốn chơi với tôi nữa vì có lẽ tôi “không như ngày xưa”. Riết rồi tôi cũng quen. May mà ngoài cho tôi cái tính lạc quan ra, trời còn cho tôi cái tính kể nể. Dù là bất kì ai, khi đã đoạn tuyệt đều có đôi dòng lưu lại, dù ít dù nhiều, lâu lâu mở ra xem, thấy nửa buồn nửa vui.

Hồi trước nghe câu “Thương trường là chiến trường” tôi cười khểnh kiểu Châu Kiệt Luân và bỏ ngoài tai điều đó.

Ở tuổi này, trải nghiệm sâu hơn một tí tôi lại thấy nhiều cái hay. Không phải ai cũng nhìn thấy vấn đề theo đúng bản chất của nó. Cũng không ít khi bản chất của vấn đề không ở chỗ mình đang nhìn. Không phải bạn cứ nghĩ mình đang đối xử tốt với người ta thì người ta sẽ có cảm giác tương tự.

Đặc tính cố hữu của con người thường là không hiểu rõ bản thân mình nhưng lại thường hiểu rất rõ về người khác, họ có thể nhìn xuyên thấu, phân tích, phán đoán và rút ra kết luận và có kết quả một cách chính xác về số phận của cuộc đời bạn. Bỏ mặc bạn với sự đau lòng. Họ có thể là chính bạn hoặc bất kì ai, người xa lạ, người thân, nhân viên, đồng nghiệp…

May mắn một điều, từ nhỏ đến giờ tôi luôn là người chủ động và luôn biết mình cần phải làm gì trong mọi tình huống. Và đã quá quen với những chuyện li biệt, hợp tan nên ở tuổi này này tôi thấy mình cứng cáp hơn hẳn. Không như hồi 2014 ưu tư hút hít như mấy thằng hâm.

Tôi học được điều này năm 16 tuổi, không biết là của thánh nào nói, nhưng tôi thấy chuẩn. Đó là: “Tài sản quý nhất của người đàn ông phải nằm ở trong đầu”. Nên từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ xem những thứ bên ngoài là tài sản, tôi chỉ thấy quý ở những trải nghiệm, những kiến thức và những kinh nghiệm mà tôi đã nhặt được trong thời gian qua. Để nếu một ngày chuyện tệ hại nhất xảy ra, mất đi toàn bộ những thứ mình đang có, tôi vẫn hiên ngang tiến lên và rực rỡ hơn gấp vạn lần. Câu này có thể được xem là lời tuyên bố hay gì đó đại loại

Đó là trải nghiệm ở tuổi này. Tôi viết lại để năm sau facebook sẽ nhắc lại ngày hôm nay. Một ngày nhuốm tâm trạng trống rỗng, buồn lòng và pha chút bàng hoàng đầy chầt thơ

Tuyên Quang – 2020

Ngữ âm Đông Lào luận – thanh điệu của Tiếng Việt.

Hầu hết người Việt, bất kể được dạy dưới mái trường XHCN, hay du học sinh nhặt chữ lẻ ở Tây Dương, khi được hỏi về tiếng Việt có bao nhiêu thanh, đều sẽ có chung một câu trả lời, đó là tiếng Việt có 6 thanh (six tones), đây là kiến thức cơ bản về ngữ âm Đông Lào trong sách vở mà thực dân Gô Loa đã tuyên truyền cho dân ta từ hàng trăm năm về trước, rút ra bởi một nhóm lắm lông kính trắng ngồi rà văn bản Cuốc Ngữ, được viết bởi một lắm lông kính trắng khác tên Á Lịch Sơn Đắc Lộ từ tận thế kỷ 17.

Tuy nhiên điều này là sai lầm một cách ngu dốt, trước khi trả lời câu hỏi trên, chúng ta phải hiểu xem tiếng Việt thực sự là tiếng gì đã? Khái niệm “tiếng Việt” móc ở đâu ra? Nguyễn Du có gọi thứ ngữ âm nói mà người ta dùng để đọc Truyện Kiều của mình là “tiếng Việt” hay không? Chưa kể người Việt ở những thời đại trước Tố Như, họ gọi ngôn ngữ nói của họ là tiếng gì?

Trước hết phải hiểu, ngôn ngữ nói của chúng ta (hay cả tiếng phổ thông Trung Quốc) đều là bạch thoại. Bạch thoại tức là ngôn ngữ nói của dân gian, và nó chỉ để nói mà thôi. Trong các xã hội truyền thống của Đông Á, người giỏi chữ là tầng lớp trí thức, và khi viết thành văn bản, họ không dùng bạch thoại, mà dùng một loại ngôn ngữ riêng gọi là Văn Ngôn, hay còn có tên khác là Cổ Văn.

Văn Ngôn là ngôn ngữ VIẾT, tức là chỉ dùng khi viết mà thôi, nếu đọc lên đặc biệt là cho những người không biết chữ, họ sẽ rất khó hiểu, vì nó KHÔNG có ngữ pháp giống như bạch thoại, thậm chí không có ngữ pháp cố định (dạng SVO-SOV). Người ta học Văn Ngôn bằng cách đọc thật nhiều các văn bản cổ từ thời Kinh Xuân Thu, rồi cố học theo cách hành văn ấy.

Văn Ngôn cũng chứa rất nhiều các siêu liên kết, nội dung cô đọng, nó là dạng văn bản cô đặc ý nghĩa nhất của nhân loại, một tờ giấy nhớ ghi văn ngôn, để diễn Nôm ra thì phải mất đôi trang A4. Văn học chữ Cuốc Ngữ (tân văn) của người Bắc Kỳ vẫn có thể giữ được sự hàn lâm và tinh tế, chính là vì các tác giả thế hệ đầu (như Nguyên Hồng) đều là các cao thủ Văn Ngôn, và nó làm tiêu chuẩn, mực thước cho các thế hệ nhà văn tiếp theo.

Tất cả các sách kinh điển của Trung Hoa, Việt Nam, Nhật, Lưu Cầu và Cao Ly đều viết bằng Văn Ngôn. Người Nhật vẫn nói tiếng Nhật, người Cao Ly vẫn nói tiếng Cao Ly và người Việt vẫn chửi địt mẹ, tuy nhiên các văn bản của các nước này đều chỉ viết bằng một loại ngôn ngữ Văn Ngôn tinh hoa ấy, nên trí thức nước này đọc sách nước kia hoặc nói chuyện với nhau bằng bút đàm rất tiện. Nhiều người nhầm lẫn cứ thấy sách cổ có chữ vuông vuông chéo chéo là nghĩ dân Tàu hay Đài Loan đọc được là sai hoàn toàn. Họ có thể đọc được từng chữ, nhưng nội dung sẽ không hiểu gì cả, chả khác gì chúng ta đọc các văn bản cổ bằng phiên âm.

Tiếng Việt chính là bạch thoại Hán Đường, và giọng Bắc chính là giọng của quý tộc Tràng An. Lý Bạch khi tiễn bạn ở Bá Lăng thì làm thơ theo ngữ pháp cổ văn, nhưng chiều ra chợ cóc mua rau thì lại dùng ngôn ngữ nói của người Phố Cổ.

Vì tiếng Việt là bạch thoại Hán Đường, nên không thể chỉ có 6 thanh, mà chính xác là nó phải có 8 thanh. Tuy nhiên khi ký âm bằng latin, chúng ta bị mất 2 thanh, trong đó có một thanh cao hơn thanh sắc, và một thanh thấp hơn thanh nặng. Không phải nó biến mất khỏi hệ thống ngữ âm, mà là nó bị chuyển thành chữ khác, chính xác là phụ âm cuối sẽ bị biến đổi nếu ký âm những thanh này, dù bản chất chúng là cùng 1 âm (manh/mách/mạch, an/át/ạt. um/úp/ụp….)

Một bằng chứng thanh điệu này còn lưu lại ở ngay trong thanh điệu của ca trù, một dòng nhạc thần thánh của người Bắc Kỳ. Đàn của ca trù sử dụng 4 âm tinh tính tình TÍCH. “Tích” khi viết ra chữ latin thì nó trở thành một âm khác hoàn toàn vì sự hạn chế của hệ thống ngữ âm Bồ Đào Nha. Người Việt cổ coi chúng là một âm vì khi chưa có chữ Cuốc Ngữ, họ chỉ đọc bằng miệng và ghi bằng chữ Hán, mà thôi. Tiếng Bắc Kinh bị thiếu thanh so với tiếng Việt chính là do mất các phụ âm cuối này, rất hợp lý và dễ hiểu.

Như vậy, ngôn ngữ mà người Việt thần thánh chúng ta ngày nay sử dụng là ngôn ngữ của nhà Đường, có đủ 8 thanh, đi 7 bước là ra bài thơ dài như râu cụ Kình mà vẫn chuẩn niêm luật của người xưa. Người Việt nếu xuyên không thì có thể vào triều kiến Lý Thế Dân mà không cần phiên dịch. Dòng giống của chúng ta là Đường Nhân, Hoa Hạ, đó là niềm tự hào, đồng thời cũng đặt ra cái trách nhiệm về gìn giữ, bảo tồn cái tiếng mẹ đẻ của mình. Những kẻ phá hoại tiếng Việt cần phải nghiêm trị như tội hình sự, ví như đứa nào phát âm sai hỏi-ngã thì tốt nhất cứ cắt mẹ lưỡi đi.

Ảnh minh hoạ: Cổ Văn aka Văn Ngôn của anh em quan lại nhà Nguyễn thời đi sứ Phú Lãng Sa.

Chữ Cuốc Ngữ

Trước có vụ anh anh em Đà Nẵng sáng suốt và quyết đoán, từ chối đặt tên thằng thực dân mặt giặc De Rhodes cho con đường ở thành phố, muốn giải thiêng nhẹ mấy huyền thoại về cái-gọi-là sự thần thánh của chữ Cuốc Ngữ – một thứ mọi tự gốc Bồ (Latin) dùng để ký âm tiếng Việt (Hán cổ thời Đường), được các thể loại me Tây đặc biệt là anh em Công giáo vẽ ra cả trăm năm nay, tô vẽ cái công cụ của thằng cướp nước, cưỡng hiếp văn hóa truyền thống của người Đông Lào ta.

Huyền thoại đầu tiên là, “chỉ duy nhất người Việt có hệ thống chữ viết ký âm latin thành công”. Anh em me Tây quả quyết rằng bọn Châu Á khác không làm được một hệ chữ viết tương tự Quốc Ngữ, vì không có một anh thần thánh tương tự De Rhodes, các anh em gọi điều này là “De Rhodes đưa Việt Nam đi trước Tàu 3 thế kỷ”.

Tuy nhiên có sự khác nhau giữa “không thể ký âm” và “đéo thèm dùng ký âm”. Thực tế thì mọi ngôn ngữ đều có thể ký âm Latin, ngoại lệ duy nhất có lẽ là tiếng của người Khoisan săn bắn hái lượm ở Châu Phi, chính là đồng bào của gia đình trong phim “Thượng đế cũng phải cười”, do tiếng nói của họ tồn tại các phụ âm click dùng tiếng bật của răng và lưỡi, không có ký tự tương tự trong bảng chữ cái Latin. Các nhà ngôn ngữ học khi thử ký âm Latin tiếng nói của bộ tộc này, họ phải dùng cả các ký tự đặc biệt như “!” hay “ǂ” mới ghi được.

Người Trung Hoa cũng có một hệ chữ ký âm latin tương tự Quốc Ngữ, chính là Pinyin (Bính Âm), có đầy đủ cả dấu như tiếng Việt, viết thành văn bản đọc vẫn hiểu bình thường. Phòng trường hợp các anh chị mõm vẩu không biết, thì bản thân từ “China” cũng là một chữ ký âm, khi người La Mã lần đầu tiên tiếp xúc với người Hoa Hạ vào triều đại nhà Tần (Qin – đọc là Chin) cách đây từ hơn 2000 năm, và họ lấy luôn chữ Chin đó để đặt tên cho vùng đất nơi họ hàng năm phải đem vàng sang quỳ lạy để mua lụa và đồ gốm sứ.

Nhưng Bính Âm chỉ dùng để người nước ngoài học tiếng Tàu, hoặc bỏ dấu để đặt tên cho các công ty, nhãn hàng cho người nước ngoài đọc được, chứ đéo thể dùng trong giáo dục, khoa học kỹ thuật được, vì cũng giống như Quốc Ngữ, nó chỉ đơn giản là ký lại cách phát âm, hoàn toàn đéo truyền tải được nội hàm của từ như chữ tượng hình. Trí thức Đông Lào trở nên ngu dốt hơn một thế kỷ gần đây, chính là hậu quả của việc dùng chữ ký âm, trong khi bản thân tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm, vốn phù hợp với dùng tượng hình thần thánh.

Huyền thoại thứ hai, đó là “chữ Hán là chữ tượng hình nên không thể ký âm như chữ Quốc Ngữ”. Đây thực tế là trò, mà như tôi hay gọi, là “trộn cứt với xôi”. Việc chữ Hán là tượng hình không liên quan tới khả năng ký âm, khi ngay chính tên của thằng De Rhodes vẫn được ký âm là Đắc Lộ.

Tên tất cả các quốc gia mà ta đọc được bằng tiếng Việt, từ Anh, Pháp, Hà Lan, Hoa Kỳ… thực tế đều là ký âm bằng chữ Hán.

Huyền thoại thứ 3, đó là “chữ Quốc Ngữ giúp người Việt tiếp cận khoa học kỹ thuật phương Tây dễ dàng hơn”. Đây là quan điểm được nhai đi nhai lại nhiều nhất, nhưng lại là ngu nhất trong tất cả các luận điểm.

Tất cả mọi khái niệm khoa học kỹ thuật, triết học, âm nhạc của phương Tây đều dịch được ra chữ Hán, và do đó người Việt vẫn có thể dùng trực tiếp mà chả cần phiên âm kiểu hamlol như xích-lô, gác-đờ-bu…., và điều này sẽ giúp hiểu cặn kẽ nội hàm của khái niệm bằng chính tiếng mẹ đẻ.

Ngay như trong toán học, tất cả các khái niệm toán mà ta học ở THPT cũng vốn là từ sách toán của Tàu thời Minh, chứ các anh chị nghĩ bọn Pháp nó biết “tam giác”, “tích phân”, “khai căn”…. nghĩa là gì để dạy các anh chị theo kiểu tổ tiên ta là người Gô-loa, hay sao???

Thực tế thì ngay ở Châu Á, chính các nước dùng chữ vuông (như Tàu, Nhật, Đài, Hàn…) mới là các cường quốc khoa học kỹ thuật, mới làm được kỹ sư, bác học và ông chủ, còn bọn dùng latin hay chữ giun thì chỉ làm được cu li, làm phò, mặc sịp cầu vồng, hát trên 4 vùng chiến thuật và nói về tình người, mà thôi.

Hangul của Hàn bàn chất cũng là chữ ký âm, do tự họ sáng chế ra để ký âm tiếng Cao Ly, tuy nhiên hệ chữ ký âm “cực dễ học và đẹp nhất thế gian”, theo lời Triều Tiên Thế Tông anh tôi, vẫn đơn giản là dùng như một bạch thoại và teencode. Sinh viên Luật và Y Khoa hay các chuyên ngành khác của Hàn vẫn phải dùng Hán Tự Hỗn Dụng – một dạng văn bản kết hợp cả Hangul lẫn chữ Hán, tương tự như người Nhật, vì chữ ký âm, tượng thanh, như đã nói, không thể truyền tải được nội hàm của các khái niệm hàn lâm.

Indo và Mã Lai là hai ví dụ châu Á dùng ký âm latin, và hậu quả là đéo thể viết một hóa đơn sửa xe máy bằng tiếng Bahasha mà không dùng 100% các thuật ngữ bằng tiếng Anh.

Cái tiện nhất của Cuốc Ngữ, theo tôi thấy, đó là dùng làm thơ con cóc. Xưa kia thơ thì phải gieo vần, tuy nhiên các chữ Hán hay Nôm luôn hữu hạn, cần phải có vốn từ vựng rộng mới làm được thơ, còn giờ thì ai cũng là nhà thơ, chỗ nào gieo vần khó quá thì ta chế ra từ mới, đến người quá vỹ tuyến 17 ngày nay còn làm được thơ, là đủ hiểu.

Vậy nên, cần nhìn nhận cho đúng, rằng chữ Quốc Ngữ là một hệ chữ mọi, và chúng ta, do hoàn cảnh lịch sử, đang phải viết một loại chữ mọi, thế thôi. Loại chữ này giống như cây tre, mọc rất nhanh, dùng cũng rất tiện, nhưng nghìn năm sau nữa cũng chỉ có thể dùng làm chuồng trâu, chuồng vịt mà thôi, chứ làm cột lâu đài là vĩnh viễn bất khả thi.

Liệu có cần phải mang ơn một thằng thực dân, chỉ vì một loại chữ ký âm, mà vốn cái mục đích của nó sinh ra từ đầu, là vĩnh viễn giữ trí tuệ, tư duy và tâm hồn dân tộc ta ở mức trung bình và nô lệ?

Cái đẹp

“Đây có thể tính là một lời tình ca, để dành cho những cái đẹp, hư ảo, sương khói. Tôi là một người hoài cổ, và mong muốn dành hết tâm lực, trí lực, để níu giữ những cái đẹp đã mất. Bản tình cho giai nhân, mượn hình tượng trăng và nước, để diễn tả cho sự hoài vọng cái đẹp. Có thể đặt cho nó một cái tên khác, là bản hát ru”

Tôi ngồi giữa chõng tre, nằm nghe gió thổi mưa qua, thì giờ về muộn hơn chiều nhưng sớm hơn tối, lững thững trôi dạt bồng bềnh, cỏ non mơn chớn đôi chân, biêng biếc bên hông, mưa phùn về thăm lất phất trên mặt, gió thì thầm, thoảng thoảng hương đất, ôm ấp thân thể, hoàng hôn nhuộm chín đỏ cầu vồng, ùa vào trong mắt. Nâng niu chén trà xanh biếc, vị quỳnh hoa thanh thanh, âu yếm quyển sách cũ, vàng hoen màu trưởng thành. Đã quá lâu rồi tôi mới được thư thả, như vậy. Tận hưởng, mọi thứ, ở mọi giác quan.Mọi thứ

Trong vài chục năm gần đây, nhiều người Đông Lào bắt đầu giàu lên, và nhu cầu sống một cuộc sống thượng liu, sang chảnh trở nên rất chính đáng và cấp thiết. Đau lòng ở chỗ, nhiều thứ tiền không thể mua được, hoặc không biết chỗ để mua, dẫn tới một trào lưu đua nhau sắm sửa, ăn mặc, xây dựng những thứ đắt nhất, lạ nhất, to nhất, chứ không phải thứ phù hợp nhất, khiến kẻ mấy đời thượng liu như tôi chỉ biết thở dài, đau xót. Vẫn biết là tiền của người ta, tiêu thế nào là việc họ, nhưng nếu nén lòng chẳng dám nói ra, lại sợ bị đánh đồng với kẻ trọc phú chăng? Nên đành múa phím mà đưa ra mấy lời từ tâm can vậy.

Khác với những anh em mới dịch hàng rào, người ở tầm cự phú, không bao giờ bị ám ảnh với KPI trong tiêu pha để thể hiện đẳng cấp có tiền, mà hướng tới sự thoải mái, tối giản, để nâng chất lượng cuộc sống, tinh thần, sức khỏe lên mức cao nhất. Thế nên, họ chẳng coi ăn foie gras ngày 3 bữa, súc miệng bằng uýt-ky, mặc full cây hàng hiệu Tràng Tiền là phong vị của đế vương. Ngược lại, giới tinh hoa, họ ăn uống rất thanh đạm, ngày bình thường là mấy loại hạt linh tinh, rau xanh với nước hoa quả ép, ngày có lễ thì rượu nút lá, bát gia vị phải đủ tỏi hành phi thơm, ớt chỉ thiên chín đúng độ #B22222, bỏ hạt, cắt đúng 1mm mới chịu, mặc thì chỉ cốt sao thoải mái và hợp với hoàn cảnh là được, thậm chí mặc đồ hiệu có logo lộ ra bên ngoài, họ cũng sẽ bắt phải cắt đi.

Cuộc sống thượng liu, theo quan điểm của tôi, đó là đưa sự hưởng thụ, thoải mái, sung sướng lên mức cao nhất trong tất cả mọi hoạt động dù nhỏ đến đâu. Khi ta nấu nướng, dụng cụ, gia vị phải ở đúng trí thuận tay của nó. Khi ta chạy treadmill, tầm mắt phải có view đẹp nhất lúc thành phố lên đèn. Giường ngủ nếu không có nệm, gối bọc lụa Vạn Phúc, đầu giường êm ái, thảm mềm kê chân, thì dù có bằng gỗ sưa, gỗ cức cũng chỉ đáng chẻ ra làm củi. Vo gạo không đủ 3 lần thì không ăn, trần nhà không được 5 mét thì không ở, dùng bữa ở bàn cao, uống trà ở bàn thấp, mùa đông nghe Bach, mùa hạ thưởng Schütz, tuyệt đối không được bao giờ được lẫn lộn…

BỰC QUÂN TỬ

BỰC QUÂN TỬ thời xưa, ở Á Đông đại khái có thể chia ra làm hai hạng người có hai lối nhân sinh, hai đường xử thế khác nhau rất rõ rệt.

Hai hạng người đó, mỗi hạng đều ôm ấp một tâm sự… Muốn tìm hiểu tâm sự của mỗi người, một quyển sách cả ngàn trang cũng không sao nói được hết ý. Thế mà nếu có thể tóm lại, người ta cũng có thể tóm lại trong một câu chuyện hết sức gọn gàng đầy đủ trong một trang sách nhỏ: Câu chuyện Khuất Nguyên và lão đánh cá. Đấy cũng là chỗ sở trường của người Á Đông vậy.

Khuất Nguyên làm quan cho vua Hoài Vương nước Sở, bị sàm báng mà bị phóng khí. Mặt mũi tiều tụy, hình dung khô héo, Khuất Nguyên vừa đi vừa hát ở bên bờ đầm.

Có ông lão đánh cá trông thấy hỏi:

– Ông có phải là Tam lư đại phu đó không? Sao mà đến nỗi khốn khổ như vậy?

Khuất Nguyên nói:

– Cả đời đục, một mình ta trong; cả đời say một mình ta tỉnh, bởi vậy ta mới bị phóng khí.

Ông lão đánh cá nói:

– Thánh nhân không câu nệ việc gì, lại hay tùy thời. Có phải đời đục cả, sao ông không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục theo một thể? Loài người say cả, sao ông không biết ăn cả men, húp cả bã cho say theo một thể? Việc gì mà phải phòng xa nghĩ sâu cho đến nỗi phải bị phóng khí?

Tâm sự của Khuất Nguyên đâu phải riêng gì của Khuất Nguyên, mà nó là tâm sự chung của phần đông nhân loại từ xưa đến nay vậy.

Cả đời đục, một mình ta trong,

Cả đời say, một mình ta tỉnh…

Lòng tự ái của ta xui ta bao giờ cũng tin tưởng như thế. Điều ta nghĩ luôn luôn đúng; việc ta làm luôn luôn phải. Không đúng, không phải, làm sao ta dám nghĩ, dám làm… Thằng bất nhân bất nghĩa nhất trong đời có bao giờ tin mình là bất nhân bất nghĩa đâu.

Dầu là một kẻ ngu… cũng vẫn tin việc mình là phải. Người xưa nói: Ta có thể đoạt ấn soái giữa chốn ba quân, nhưng không thể đoạt được dễ dàng cái chí của một kẻ thất phu. Câu nói này thật là một câu nói khám phá được cả tâm sự loài người.

Cái chết của Khuất Nguyên là cái chết dĩ nhiên… cái chết tỏ sự bất lực của mình không đủ uy thế để bắt buộc kẻ khác phải nghe theo mình, vì ai ai vẫn tin như mình:

Cả đời đục, một mình ta trong,

Cả đời say, một mình ta tỉnh…

và, bởi có đủ quyền bắt buộc kẻ khác phải nghe theo, nên lẽ dĩ nhiên họ phải sa thải mình, nếu mình không đồng ý kiến với họ… Đó là lẽ dĩ nhiên nó phải vậy: kẻ nào mạnh, thì thắng…

Trích cuốn “Thuật xử thế của người xưa” __ Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Lời bàn :

Mỗi người đều có một Tâm kết, đó là một vấn đề trong tâm tư của ta và dường như đó là trung tâm, mọi thứ khác trong ta đều đang xoay quanh đám rối đó. Càng ác cảm và tiêu cực với nó thì nó càng kết lại, lớn hơn và chi phối đời ta nhiều hơn, chặt chẽ hơn.

Làm thế nào với Tâm kết của mình ? Ta chỉ việc công nhận nó, không phải là đồng tình với nó, mà đơn giản là nhận thức sự tồn tại của nó, không ưu thích cũng không ghét bỏ.

Khi ta công nhận đặc tính riêng của mình, ta sẽ dần học hiểu được thế nào là công nhận.

Khi ta càng công nhận được Tâm kết của mình thì nội tâm ta càng vận hành tự nhiên, không kháng cự mà lại tự nhiên kháng cự. Như nhìn vào vòng tròn âm dương, thấy đen theo trắng hay là trắng theo đen ? Đen trắng theo nhau hay là đen trắng đang cố dời nhau ?

Bà hàng xóm

Nắng ôm cây khế ngẩn ngơ

Rụng vàng sân trước, thẫn thờ sao đây

Gió về gió cuốn đường mây

Cửa mời khách đến, khách đầy cô đơn

Tuổi hơn thất thập mà nay

Cơm thơm tự thổi, rau này tự ăn

Sương về bạc tóc băn khoăn

Vì sao lạnh thế khó khăn thân già

Con thì mất, cháu bỏ nhà

Chó không thấy nữa đã ba bốn tuần

Lất lay chẳng bận phàm trần

Cài then chốt cửa, nốt phần dương gian

Một giường, một chiếu, một màn

Mai này có chết, hương tàn có không

Một phích nước, một cạp lồng

Mai này có chết, biết không thân già

Một góc tường, một băng ca

Mai này có chết, ai ra thăm mình

Chiều về phố thị lặng thinh

Thương căn nhà vắng, thương tình nhân gian