Đêm lặng thinh

Liếc nhìn đồng hồ bây giờ là gần một giờ đêm. Trong quán vài thằng nhậu vài em cười cợt kề bên. Tao ngồi bàn một mình đang cố vét nốt tô cơm. Nơi đất khách quê người, tao đã quá quen với cô đơn.

Đèn treo lủng lẳng trên đầu, trực chờ rơi xuống, nhưng cứ treo mãi chẳng thấy rơi, bụi bặm về nhiều hơn cả đêm, đè nặng xuống đèn, mà chẳng rơi. Quạt kêu lọc cọc bên tai, trực chờ đứng im, nhưng cứ kêu mãi chẳng thấy ngưng, thô tục về nhiều hơn cả người, vang át tiếng quạt, mà chẳng im. Tao ngồi giữa bàn, bát cơm rang như hạt sạn cứ cứng ngắt, cố nuốt cho đầy bụng, thịt bò dai ngoách như miếng rẻ lau mà cũng chẳng đầy mồm, dưa thum thủm mùi úng lâu ngày, chó chẳng buồn ghé mồm. Thằng chủ quán vừa cởi trần vừa hút thuốc vừa rang cơm, chẳng bận quan tâm tàn thuốc bay đến đâu, hình con phượng sau lưng chẳng thèm tái sinh, bị che mất mắt bởi vết chém, trước ngực hình cá chép, ngũ môn chẳng có, chắc ông cũng chẳng buồn hóa rồng làm gì. Mấy cô em ngậm thuốc lá, áo quần chẳng buồn che chỗ cần thiết nữa. Ngực có đôi tờ năm chục đỏ đỏ, mấp mé, cười khằng khặc như mấy con gà lúc rạng sáng. Mấy ông giang hồ da đen ngòm, nắng chẳng buồn cháy, hả hê ngồi nốc nốt chỗ rượu, ăn mấy món nhậu chẳng ra gì, một tay ôm eo gái, phì phèo mùi gỗ thông, tay kia cầm cốc rượu, to bằng cái mắt trâu, giảng giải đạo lý, mắt xa xăm mà uống hết cả. Xe ngoài đường mệt nhoài, yên thủng, giảm sóc gãy, gương bỏ, dừng chân chống lần thứ 13 trong ngày và nằm nghỉ ngơi, thưởng thức sương đêm thơm lên má mình. Trời quá nửa đêm, sao chẳng buồn thức, trăng chẳng muốn sáng, đen ngòm như cái tương lai ngõ chợ này, cuộc sống buồn thiu rơi vào chòng mắt, len qua mạch máu, chạy thẳng vào tim và trở ngược lên não, làm cho con người cũng chẳng còn sức sống mà cố gắng, mà làm người nữa.

Em tôi chạy qua, xe kêu bình bịch như ghen tị với mấy chiếc xe đang nằm im, chạy thẳng vào chỗ tôi ngồi, gọi lớn một ca bia hơi, xin mấy lát chanh bỏ thẳng vào, thêm cả muối làm bia thêm vị ngọt, cười cười nói nói, tôi ậm ừ cho qua, tai ù ù tiếng chửi. Rồi bỗng đánh nhau, đằng sau tôi đánh nhau, một ông cầm chai bia, đập vỡ vào đầu ông khác. Máu chảy 2 dòng, đỏ hơn mắt ông kia, rút cạp quần cái dao bấm, sỉa sỉa quanh không khí, mồm chửi, chân đá, tay khua khoắng lung tung, mấy em gái dạt nhanh sang hai bên, ông chủ quán vứt điếu thuốc, chửi “Địt Mẹ Mày, Cút”. Chỉ chờ tiếng chửi, trong nhà chục thằng cỡ 16 tuổi chạy ra, hàng họ đầy đủ, hai ông biết mình lỡ dại, cặm cùi rời khỏi quán, em tôi rót đầy cốc bia cho hai anh em, uống một hơi hết nửa, chẳng buồn liếc mắt, kể tiếp chuyện.

-Trước em mới đi đòi nợ ông kia, ông bảo thư thư, em dọa, ông đó bảo ông không sợ, rồi đóng cửa đi vào trong, em bực mình, gọi bọn nhõi đứng trước cửa, ông bảo mạng tao chúng mày lấy được thì lấy, đéo lấy được thì để tao đi kiếm tiền, thế là em để ông ấy đi. Chó nào cũng phải cùng đường anh Tú ạ, và cắn càn.

Tôi rót thêm đầy 2 cốc bia, em tôi nói tiếp.

– Rồi qua ông ấy về, ông thấy em ngồi quán trà đá bà Hương, đối diện, ông cũng vào gọi một cốc trà đá, em ngạc nhiên, trước giờ chưa con nợ nào mà dám ngồi với em cả, ông lấy điếu thuốc trong hộp Thăng Long sắt, em cảm thấy ông ấy cùng cực nhưng vẫn yên tĩnh lạ thường, bỗng nhiên một khoảng khắc em thấy sợ.

Ông chủ quán đon đả đến mời rượu tôi và nó, tôi cầm điếu thuốc ông ấy mời, nó lấy một điếu, ông chủ quán ngậm một điếu, chửi mấy thằng cu giúp việc dọn dẹp chỗ 2 ông mới ra khỏi quán, em tôi lấy chiếc zippo bố nó để lại, lửa bật một lần là cháy, châm cho ông chủ quán trước, rồi đến tôi, nó sau cùng, rồi nó kể cho tiếp cho cả tôi và ông kia nghe.

– Ông kia bảo nhìn em còn trẻ. Chắc khoảng 23-34, chục năm nữa mày vẫn muốn làm thế này sao, em bảo không, ông bảo muốn học một cái nghề không, em gật đầu, xong ông ấy đưa em cái card, trên có tên và số điện thoại cùng địa chỉ công ty, ông ấy là chủ một công ty về nồi liêu, ông bảo gọi cho ông ấy lúc em muốn về, rồi ông đi thẳng về. Vẫn trả cho cả em lẫn ông tiền trà đá.

Đêm lặng thinh

Đòi thơ

Xe hoa đèo cả mảnh trăng tròn

Rượu say ngồi ngắm mộng cỏn con

Trăng vào cửa sổ đòi thơ

Việc quân chẳng bận thì giờ sao đây

Vẫn nơi lều cỏ gối mây

Thơ còn dăm chữ là may lắm rồi

Kinh bang tế thế chẳng mơ

Làm người hèn kém lại dơ với lòng

Mộng đời làm mãi chẳng xong

Con con mộng bạc cũng long đong hoài

Đầu thu trăng sáng chảy dài

Thơ còn dăm chữ để mai viết bù

Buồn 1

Lên thang nghe gió nhủ mưa thầm

Gác trọ không đèn hết cố nhân!

Ta trở về đây không gối chăn

Một mình ly rượu… rét căm căm

Không là lính thú sầu biên ải

Cũng thấy lòng chia dưới cát lầm!

Nhớ lại mùa mưa những thuở nào

Rượu rồi nâng cổ áo lên cao

Dăm ba mồi thuốc đi chung bóng

Lòng chép cho lòng bao chiêm bao!

Gối mãi đêm dài lên bút giấy

Dong đèn cho cạn giọt trầm tư

Đời như quán vắng khi tàn khách

Đâu những cồn mây rối tóc bù.

Nào biết mộng người đi những đâu

Chả buồn qua lại cánh song nhau!

Một hai ba bốn ngày nay nữa

Cây cỏ lòng hoang đến bạc đầu

Tro bụi giờ trơ lại chiếu hồng

Nhà như cổ mộ mặc thây lòng

Gia đình đắp đổi tình thiên hạ

Cho hết không còn nước mắt trong!

Lên thang nghe gió nhủ mưa thầm

Gác trọ không đèn, hết cố nhân!

Nhấc chén nghĩ khinh người Chiến Quốc

Phù hoa thường đổi mất tri âm!

Bàn sơ sơ ngành psy

Give me your soul and then give we soul…

Bàn sơ sơ ngành psy

(Dựa trên kinh nghiệm cá nhân)

Psychology – Tâm Lý là một ngành độc hại. Từ tinh thần, sức khỏe đến quan hệ xung quanh. Có những thời điểm, một người làm về tâm lý bị ám ảnh bởi việc mời ngồi. Những người đến và đi, kể những chuyện mà trí óc điên cuồng của con người nghĩ ra, những quyển sổ tay cứ thế dày lên và sự ám ảnh còn nặng trong tâm trí người làm về ngành nghiên cứu con người này, cụ thể hơn là nghiên cứu tâm trí con người này.

Nhưng có việc còn đáng sợ hơn việc bị ám ảnh bởi câu chuyện, là việc người làm tâm lý bị sai lệch về nhận thức về thế giới xung quanh. Một người làm về tiền ly hôn nhất định sẽ có cuộc sống gia đình không mấy vững vàng, một người làm về trầm cảm nhất định có một sự badend trong não, người làm về thôi miên càng đáng sợ khi không phân biệt nổi đâu là thực đâu là limbo. Dĩ nhiên, môi trường quyết định tất cả nhận thức – Điều cơ bản nhất trong tâm lý, khi nghe quá nhiều những việc người khác nói. Dù cơ thể sinh ra những phản xạ chống đối nhưng tư duy sẽ đẩy những thứ đó về id. Những id của Freud nêu ra làm những nhà phân tích bị chìm sâu vào và đưa ego, supper ego xuống dưới. Điều đặc biệt ở ngành này là họ không cứu được họ và cũng không ai cứu được họ. Khi bạn ở trong một ngành, cái tôi nặng nề dẫn đến sự coi thường tất cả đồng nghiệp xung quanh, nhất là những ngành mơ hồ như tâm lý, nơi không có những con số thông kê, kpi, số liệu phân tích, càng làm bạn coi thường đồng nghiệp. Và khi đã coi thường thì tất cả điều người khác nói chỉ để bồi thêm cái tư tưởng chống đối nguyên thủy, làm cho những ông làm tâm lý không nghe những ông làm tâm lý khác giúp mình. Đó là một điều tồi tệ

Một điều tệ nữa ở ngành này là chất kích thích, chẳng lạ khi những ông tâm lý là những ông siêu hiểu biết về đồ đạc, và tác dụng của từng loại. Indica trị chứng trầm cảm, sativa dành cho tăng động, lsd để thức thần, xanax cho người rối loạn lưỡng cực, mdma cho việc giao tiếp,… Cứ lặp lại trong đầu như kinh phật của nhà sư, như đơn thuốc của bác sĩ. Một người anh hay nói rằng khi hiểu biết về chất kích thích thì họ sẽ đi sâu vào tìm hiểu chứ không phải để cho vui, nhưng mà hậu quả nó để lại cho cơ thể vẫn là trước mắt, và tất cả thứ đó người làm tâm lý phải bán mạng chịu.

Sự đáng sợ của tư tưởng không chỉ nằm trong việc làm sai lệch nhận thức, mà còn có thể dẫn đến sự chìm nhận thức, nhưng những thứ để giải quyết vấn đề trong tân lý đều là những hậu quả cho việc khác. Dùng quá nhiều lucid thì sẽ dẫn đến việc ảo giác, tương tự như chơi game quá lâu. Dùng quá nhiều thôi miên sẽ dẫn đến longdream, khiến người ta cạn kiệt sức lực, thậm chí là suicidal. Dùng quá nhiều phân tâm sẽ dẫn đến thảm cỏ,…. Và đáng sợ hơn cho nó là âm nhạc và ánh sáng. Khi được học về ánh sáng đỏ để đưa tâm trí người điên vào trạng thái bình ổn và âm thanh giúp thay đổi phản xạ cơ thể làm cho những người này bị ám ảnh cực độ bởi ánh sáng và âm thanh, chỉ cần lệch đi một tẹo về cường độ sáng, dải tần âm cũng có thể làm tâm trạng họ thay đổi.

Và điều đáng sợ nhất khi làm ngành này là khi gặp phụ nữ đẹp họ không nhìn ngực trước mà nhìn vào mắt để soi xét

Suy nghĩ vẩn vơ của kẻ nhàn dỗi 1

Bàn về buồn tôi có cả tỉ ngôn ngữ để miêu tả. Từ nông đến sâu, từ thơ đến nhạc. Ai đọc nhiều thứ tôi viết từ lâu thì có vài kẻ đã bỏ theo dõi, cũng có vài người chìm đắm trong nỗi buồn vẩn vơ đó, nhưng điều tệ hại nhất, một hệ quả kéo theo mà thật lòng tôi không muốn, là nhiều khi họ quá hình tượng hóa nỗi buồn. Đến mức học theo và coi nó là sự thượng đẳng mù quáng.

Tôi chuyển tus của tôi từ công khai sang bạn bè, từ bạn bè sang hạn chế, tôi không thích trả lời comment của mọi người, tôi đăng vào lúc nửa đêm và ẩn đi lúc nào đó, không phải vì không muốn một danh lợi phù dung dù có thật đôi lần tôi nghĩ tới tận đâu đâu nào đó, mà để hạn chế những người quá chìm đắm vào sự buồn mà vài dòng vớ vẩn trên mạng tạo ra. Một cách nào đó, tôi coi nỗi buồn là điều hủy diệt tâm hồn, hoặc có chăng, họ bám víu vào sự buồn đó để chẳng phát triển nữa, có thể họ phát triển theo kiểu buồn, buồn hơn, nhưng điều đó đương nhiên chẳng đáng lợi gì.

Thật ra tôi không quá cưng chiều nỗi buồn đến thế, anh Khoa bảo tôi không nên buồn nữa, anh Quang đi cùng lòng tôi, Ai Đó bảo tôi hãy vui, C nhắn nhủ đừng dại dột. Nhưng mà thực sự tôi không quá cưng chiều nỗi buồn đến vậy, hay chăng, một cách nào đấy, tôi có thể kiểm soát được nó, không dễ như hít thở cũng không khó như hít thở, tôi buồn khi nào tôi muốn, tôi vui khi nào tôi muốn, vậy thôi.

Định kiến đưa những con người vào sự tận cùng của cõi tắc, một kẻ lông bông không chắc 10 năm sau họ vẫn vậy, một kẻ xa hoa không chắc họ sống vui, một người đa tình không có nghĩa họ sẽ ngoại tình. Nhưng định kiến chùm lên họ những sự phán xét không trung thực, để họ bị cô lập, đáng thương và trơ trọi lại trong sự tắc của chính mình và do chính những người gần họ tạo ra. Sự thật là một người mẹ chẳng bao giờ tin con gái làm được thứ to lớn như phim hoặc truyện, một người bố chẳng thể nói được câu ” Tôi biết nó có thể làm được mà” với con trai mình, kể cả một kẻ vỗ ngực tự hào, rằng tôi ổn, có chăng là người vui. Đời sống là một nơi phức tạp, nhưng càng phức tạp hơn khi chính con người sinh ra những định nghĩa lằng nhằng để trói buộc nhau. Làm sự khuân khổ luôn hiện diện trước mắt, như có con voi ở trong phòng, ngay trước mắt, nhưng họ bỏ qua, cho rằng đó là sự trưởng thành.

Đời sống kim tiền đưa con người đến những bến bờ giác ngộ mới, nhưng cũng làm dân tri thức ngu đi vài phần, xướng ca vô loài là câu để chỉ trích những người nghệ sĩ, mà nay họ đã màu nhiệm nó và dùng từ kol, vô tình chung dẫn đến sự chủ quan của cả 2 bên. Một bên fan, sự đè lên đầu quá đáng của người họ mến mộ, đến mức bao biện tất cả mọi thứ một cách ngu dốt, hoặc mất hoàn toàn hình tượng về main của mình. Một bên chủ thể, luôm tưởng như mình chạm đến một mốc mơ hồ nào đó và tự vỗ ngực tự hào, nhưng chẳng bao giờ nhận ra rằng, họ không tạo ra một giá trị thặng dư nào cả. ” Hãy Tha Thứ ” Phật nói vừa đủ, không thừa cũng chẳng thiếu, sự sinh và điều diệt đều phải diễn ra trong đời sống, Đạo luôn ở đó, con người không tạo ra, con người chỉ tìm ra nó.

Bác Triều, một nghệ nhân lui về ở ẩn, từng nói tôi nghe, niềm vui và nỗi buồn tự nó đến với chúng ta, con người chỉ đi tìm thú vui chứ chẳng thể làm chủ được niềm vui. Sống đến giờ thì tôi nghĩ quả là vậy. Khi nhân gieo, tất sẽ phải phát, khi đã phát hiển nhiên là phải diệt. Không một ai thoát được luân hồi. Vậy nên hãy tha thứ, vì suy cho cùng, chúng ta chẳng thể làm gì được ngoài việc tha thứ.

Vậy nên một ngày mưa giăng mắt buồn, hãy tha thứ cho mưa, vậy nên một ngày nắng chen lòng ấm, hãy tha thứ cho nắng, vậy nên một ngày trời rộng thênh thang, hãy tha thứ cho trời, vậy nên một ngày biển động miên man, hãy tha thứ cho biển.

Vì suy cho cùng, chúng ta chẳng có thể làm được gì ngoài sự tha thứ và lòng bao dung.

Chúng ta có thể tức giận với những thứ chưa vừa ý, sự tha thứ chỉ chuyển từ tha thứ cho điều đáng tức giận thành tha thứ cho sự tức giận, chúng ta có thể vui với những thứ nực cười êm dịu, nhưng ngay lúc đó, hãy tha thứ cho niềm vui, vì chúng ta không thể tha thứ cho niềm vui thì sự tha thứ sẽ chuyển sang thời gian. Chẳng cách nào thoát được.

Sự bàng quang không phải một điều đáng hoan nghênh, hãy hoan nghênh sự minh triết.

Dù thế nào cũng hãy về nhà nhé

Trời chắc đã vừa kịp sáng, trong veo và cao vút, nắng dài chiếu chênh vênh qua dãy hiên nhà, đập lên cửa sổ nhưng đóng kín, hắt ngược lại nằm trơ trọi trên dàn hoa nhài, có tiếng vang từ bên ngoài vọng vào trong, chen được qua hai bản lề, làm động lên một gợn trong không gian đó, con người đã lại xôn xao hơn chim, bắt đầu tỉnh dậy và líu lo tiếng hát, ông nghe rõ tiếng xì xào của xe cộ, của tất bật, của cô đơn, có chăng đã lại qua một ngày mới, hay không đây, dàn hoa giấy bên kia đường có chăng đã lại đỏ ửng vậy, hay không đây. Nhưng đã đâu, mới hôm qua còn đây mà, mới hôm qua còn vương đây mà. Đây, bằng chứng của nó đây, nó còn nằm trong gạt tàn kìa, nó còn nằm trong muội than cây bút chì kìa, nó còn nằm im trên bàn kìa, lòng ông vẫn vậy mà, thế là đã qua đêm chưa, hay chỉ là sự tưởng tượng tiếc nuối của những ký ức nhợt nhạt, hay một tương lai bi thảm nữa lại bắt đầu, đêm vẫn còn rõ vàng vậy mà, đêm, đêm vẫn còn đây thật mà.

Ông với lấy chiếc điện thoại, đèn bật sáng, lóa lên mắt, giơ tay che rồi chầm chậm nhìn, pin đã đỏ, ngày và giờ nhảy sang số khác, có một vài thông báo mới, cũng chẳng gì đáng quan trọng, tắt đi điện thoại và đặt xuống giường, nhoài người trên chiếc ghế, đầu ngửa ra sau, mặt ngó lên trần, mắt lim dim nhắm lại, đầu quay vòng vòng vì rượu đêm qua nặng, miệng vẫn lẩm bẩm vài câu không rõ chữ.

– Đêm qua, đêm qua chắc chắn vẫn còn đây mà.

Sâu bên trong nhà trời vẫn còn tối, hoặc có chăng do màu sơn đen của nó và cửa sổ co ro lại, nhất định không chịu mở nên cảm giác của đêm còn níu lại lòng người trong đó. Hương lavender vẫn còn phảng phất quanh phòng, mùi rượu vẫn còn ám lại giữa cổ, mấy quyển sách vẫn cũ, đêm qua còn vương mùi khói thuốc, ủ rũ vàng nhạt màu nicotin hoặc dư vị thời gian in lên thân thể, vẫn cúm rúm đứng nép một góc. Bông hoa hồng cắm trong chai bia giờ nhợt nhạt đi nhiều, cũng đúng thôi, ở trong cái nơi đen tối như vậy, một bông hoa còn hồng là còn may lắm rồi, và cũng vẫn còn may cho ông, một bông hoa hồng vẫn rực lên giữa đem ngòm sự tăm tối đó, dù có nhợt nhạt thì ít ra nó vẫn là một bông hoa hồng, và kìa, nó vẫn còn đây mà, ngay đây, ở ngay trong tim, đứng ngay trước mắt, còn ngay trong mũi này mà.

Ông kê đùi lên tay, ngồi thu lu giữa phòng, chân nhích chậm chạp lên ghế, bó gối co ro như con mèo ướt nhẹp, mắt chầm chậm liếc mọi thứ trong phòng, ngắm lại một lượt. Bức tranh chẳng vẽ gì, vải toan trắng tinh, ông định vẽ mà lại thôi, ông bảo để giữ lại sự tinh khiết đó, chai rượu đã hết, bức tượng đứng im, bộ cờ còn đó, chiếu chăn đã lạnh, quần áo vô hồn, đôi dép đã lệch, cái loa vẫn phát, chiếc đài bỏ quên, chiếc tất mất một, màu tím nhạt chen với màu xanh biếc. Căn phòng nhẹ nhàng ôm ấp lấy ông rồi phả một hơi rõ dài, rõ lạnh vào ngay sau gáy. Vậy là hai kẻ cô đơn sắp lại xa nhau.

– C chỉ muốn. Dù thế nào cũng hãy về nhà nhé

Ông chậm rãi bò dậy, và nhất định lìa xa vòng tay cái ghế, định đi thẳng ra, không quay lại nữa, bên ngoài có tiếng công nhân đã dục, nhưng không biết ông còn ngủ hay đã thức, chỉ có chiếc cửa khóa trong, nhưng rồi nghe tiếng đập cửa ông lại ngồi xuống, tiếng rầm rầm vang lên làm đầu ông lại nhức. Rượu quá nặng, tiếng chửi thề chen ngay sau tiếng đập cửa, rồi cũng im. Ông lại đứng lên, tay với bao thuốc rồi vứt sang một bên, thuốc đã hết, ông bật chiếc zippo, để đó, nhưng được một lúc thì tắt. Đúng rồi, cái gì cũng phải hết thôi, ông nghĩ và cau mày lại, nhưng không chửi, ông sợ khi phải phát ra tiếng, ông sợ người ngoài nghe thấy và nói ông là một đứa dở người. Thế là ông lại ngồi xuống, thật nhẹ nhàng, nhìn quanh quanh một lượt cuối, dòng chữ ” Hãy cười khi ra khỏi đây ” dán ngay trước cửa. Ông đứng phắt dậy, đi thẳng ra cửa, định bụng gỡ ngay tờ giấy đó ra, nhưng rồi không, kéo then cài, ông dụi mắt, mở cửa, ánh sáng chiếu vào mặt, nhưng không soi được đến lòng, một nụ cười thật tươi, xin điếu thuốc lá, mượn cái bật lửa, bảo mấy ông công nhân, rằng qua ông say quá. Đám đông bắt đầu hô hào anh em lao thẳng vào phòng, cắm cúi bê đi từng món một, mỗi một món bê ra, một một chút lòng ông lại mất, ông ngoảnh mặt đi thật nhanh, và chân bước thẳng ra ngoài, nhất định, nhất định ông không nhìn căn phòng một lần cuối, ông dặn lòng mình, vậy là hai kẻ cô đơn lại cô đơn. Bỗng có tiếng nói từ đâu đâu vọng về, quen thuộc lắm, ông không rõ từ đâu, nhưng bất giác ông quay lại, mắt đưa đi thật xa nhưng dừng lại nơi chính giữa căn phòng. Mắt ông cay cay mùi khói thuốc.

-Dù thế nào cũng hãy về nhà nhé