Nói về Kinh tế, Sự bất công lớn nhất trên thế giới, chính là sự bất bình đẳng về tri thức. Giai cấp thống trị, tinh hoa từ xưa tới nay luôn muốn độc quyền tri thức để dễ cai trị quần chúng. Ngay cả những thứ ta được học trong sách giáo khoa toán lý hoá vào thế kỷ 21, cũng đều là những thứ vốn chỉ được giảng dạy hạn chế trong các tu viện, trường học cho quý tộc mới chỉ vài thế kỷ trước, mà thôi.
Để phổ cập kiến thức kinh tài cho đồng bào, Tôi từ giờ sẽ tích cực biên những bài về kinh tế học thường thức hơn, rất đơn giản, dễ hiểu, thực tế và thực dụng, chứ không cần quá sách vở khô cứng như sách giáo trình đại học, các mẹ bỉm sữa có thể vừa xào rau vừa đọc mà vẫn hiểu. Vì tôi tin là, nếu bạn giảng một vấn đề mà người ngoại đạo nghe mãi không hiểu, thì ngay từ đầu, thằng đéo hiểu vấn đề chính là bạn.
Ai hay nghe hóng hớt thời sự, thì sẽ thấy mỗi khi có khủng hoảng kinh tế, hoặc tăng trưởng chậm lại, các chính phủ cả Tây Tàu Ta đều tuyên bố sẽ tung các gói cứu trợ, bằng tiền mặt hoặc tín dụng, hoặc tăng đầu tư, chi tiêu công, nhằm mục đích để kích thích kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, như những ngày này, các chính phủ đã đồng ý tung hơn 8.000 tỉ đô la để cứu trợ kinh tế đang ngáp ngáp vì cúm bia. Vậy mục đích của việc bơm tiền cứu trợ, là gì?
Trong một nền kinh tế, tiền và hàng có quan hệ biện chứng với nhau với tỉ lệ 1:1, giả sử một quốc gia sản xuất được 1000 cái bánh mì, 1000 cái áo và 1000 cái quần, với giá mỗi sản phẩm đều là 1 đồng, thì ta có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia đó là 3000 đồng, tương ứng sẽ cần 3.000 đồng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế để đối ứng. Nếu tiền ít hơn (ví dụ chỉ có 2.700 đồng) thì sẽ thiếu tiền và thừa hàng, giá hàng hoá sẽ giảm, và ngược lại, nếu nhiều tiền mặt hơn hàng hoá (ví dụ 3.300 đồng), thì giá hàng hoá sẽ tăng (mà ta hay gọi là lạm phát).
Thế nên việc bơm thêm tiền mặt vào nền kinh tế bất kể dưới dạng nào, về mặt kỹ thuật, đều chỉ thay đổi GIÁ hàng hoá, chứ không làm bánh mì nở to hay kích size quần áo, tức là tác động của nó tới nền kinh tế chỉ là lạm phát, là người ta phải trả giá cao hơn cho cùng một lượng hàng. Nghe qua thì thật là vô dụng, thế bơm tiền làm đéo gì cho nặng ví?
Tuy nhiên nền kinh tế thực tế không vận hành đơn giản như vậy, vì tất cả mọi người trong nền kinh tế ấy vừa đóng vai trò là người mua, đồng thời là người bán, mà hàng hoá phổ biến nhất mà chúng ta bán là sức lao động, để nhận tiền lương dùng mua hàng hoá vốn cũng là từ sức lao động của người khác, và qua đó, gián tiếp trả lương cho người khác.
Khi kinh tế khó khăn, giả sử như bão số 7 làm tốc mái nhà nhiều hộ dân, để có thời gian sửa nhà, một số người quyết định nghỉ 1 thời gian không lương, chỉ ăn nửa cái bánh mì, mặc lại quần áo cũ của năm ngoái để tiết kiệm tiền, thì đồng nghĩa với việc cửa hàng bánh mì, quần áo sẽ bán được ít đi, và họ phải thu hẹp sản xuất, sa thải thợ làm bánh, thợ may, khiến những người này không có thu nhập, và lại tiếp tục mua ít bánh mì hơn, cởi trần hoặc cởi truồng cho đỡ tốn, tạo nên một vòng xoáy khủng hoảng kéo nhau đi xuống.
Lúc này Chính Phủ cần phải đứng ra, với vai trò là một bên chi tiêu, sẽ mua bánh mì và quần áo để tặng, hoặc cho những người khó khăn vay, khiến tổng cầu của nền kinh tế không thay đổi, cửa hàng bánh mì, quần áo vẫn bán được bình thường và các nhân viên của nó vẫn có lương để mua bánh mì, quần áo bình thường, nền kinh tế tránh được suy thoái.
Tuy nhiên lý thuyết này lại phát sinh 1 vấn đề cơ bản: Chính Phủ lấy tiền ở đâu ra để chi tiêu? Nguồn thu của Chính Phủ đến từ thu thuế, nhưng 1 đồng thuế thu từ nền kinh tế sẽ làm các đối tượng bị thu thuế phải chi tiêu ít hơn 1 đồng, còn nếu in thêm tiền thì sẽ gây ra lạm phát mà không trực tiếp tạo ra thêm hàng hoá, như đã nói ở trên.
Người đã giải quyết được bế tắc kỹ thuật này là một nhà kinh tế học, John Maynard Keynes, người từng chủ trì Uỷ ban cố vấn kinh tế tài chính nước Anh. Trường phái kinh tế Keynes (mà hiện nay tất cả các chính phủ đang đi theo và được giảng dạy cho tất cả sinh viên kinh tế) có một lý thuyết cơ bản, mà ai học kinh tế đều biết, đó là khái niệm về “Số Nhân Tiền Tệ”.
Keynes cho rằng, 1 đồng chi tiêu của chính phủ không chỉ tạo ra 1 đồng trong nền kinh tế, mà sẽ tạo ra 1 x N đồng (N chính là số nhân tiền tệ). Nếu N = 2,5, thì việc nhà nước chi tiêu 100 đồng, nó sẽ tạo ra một lượng của cải tương đương 250 đồng trong nền kinh tế. Nôm na là nếu chính phủ mua bánh mì và quần áo cho những người ở ví dụ trên, sẽ khiến các chủ hiệu bánh mì và quần áo phấn khởi và mở rộng sản xuất, thuê thêm nhân công, làm ra nhiều bánh mì và quần áo hơn, khiến nền kinh tế tăng trưởng theo.
Số nhân tiền tệ được gọi là “con Bigfoot của kinh tế học”, vì rất nhiều người tin nó tồn tại, nhưng không ai chứng minh được nó có thật hay tận mắt nhìn thấy bao giờ cả. Lý thuyết này là nền tảng để xây dựng chính sách công, dù nó chưa tính tới một yếu tố, đó là N có thể nhỏ hơn 1, giả sử bằng 0,8, khi đó 100 đồng nhà nước chi tiêu chỉ tạo ra 80 đồng trong nền kinh tế mà thôi. Tuy nhiên lý thuyết này giải thích (hoặc biện minh) cho việc các chính phủ in tiền thoải mái khi kinh tế suy thoái, hoặc đôi khi, để bù đắp cho thâm hụt ngân sách.
Nên nhìn chung trong thời gian tới, chúng ta sẽ chứng kiến một cơn lũ lụt tiền mặt, tín dụng và các hợp đồng chi tiêu chính phủ trên khắp thế giới, gánh nặng lạm phát sẽ đè chết những kẻ không sở hữu tài sản hữu hình. Ngay cả các gói cứu trợ doanh nghiệp hay hộ gia đình, nó bản chất là Chính Phủ cho doanh nghiệp và người dân vay ứng trước số thuế họ sẽ phải nộp trong tương lai để giải quyết khó khăn trước mắt, mà thôi.
Khủng hoảng nào cũng là cơ hội, và cơ hội thì không chia đều, sẽ có những tài sản tăng giá một cách điên rồ trước khi nó về đúng giá trị thực bằng quy luật thị trường, sẽ có những doanh nhân phất lên sau 1 đêm, và rồi ngồi tù suốt phần đời còn lại, loạn thế xuất anh hùng, những ngày tháng trước mắt là cơ hội thế kỷ để chúng ta gấp đôi, gấp ba, gấp N lần tài sản, trên mồ hôi của hàng tỉ kẻ kém may mắn đang nghĩ rằng thế giới sẽ vẫn như xưa.
Bài viết hay quá, cảm ơn tác giả!