Giáo dục Đông Lào.

Nhân dịp chính thức có tân thượng thư ngành giáo dục, cũng là lâu lắm mới có dân Hán học xịn được nhận lĩnh trọng nhiệm, khiến kẻ này dù đã ở tuổi ngày ngày trà nước không màng thế sự, vẫn lại thấy chẳng thể yên lòng, rằng nếu bậc sĩ phu mà thờ ơ, phong khẩu, chẳng quan tâm tới việc hưng khởi giáo hoá, thì sẽ thành để mặc bọn ác bằng bí vi gian, phá hoại giáo dục nước nhà để trục lợi chăng? Nên đành phải vén tay áo lụa, mài mực Tùng Yên, chấm ngòi Tô Mặc mà viết mấy dòng tâm – tút.

Như kẻ già này đã nói hàng vạn lần, rằng muốn có được một nền giáo dục chất lượng, thì trước hết phải xây dựng một nền văn hoá trọng giáo dục. Giáo dục và văn hoá không bao giờ tách rời được nhau, chúng như thổ nhưỡng và ngũ cốc vậy. Văn hoá đề cao cái sự học, thì cũng như đưa lúa tốt cho Hậu Tắc xuống giống đúng vụ Chiêm xuân. Còn nếu văn hoá đề cao hiệp sĩ, thì cũng như gieo đậu mọt trên sân gạch vào ngày Hạ Chí, dẫu mời được Trọng Ni ngồi nhậm chức ở Cầu Dền, thì cũng chỉ biết ngửa mặt lên trời mà khóc bài Lưu Thuỷ.

Các quốc gia với văn hoá khác nhau sẽ có trình độ giáo dục giỏi dốt không giống nhau. Các địa phương có lịch sử xa nhau thì thành tích học hành cao thấp chênh lệch nhau, đó là thứ mà ai cũng biết vậy. Khác biệt từ con người chỉ chiếm một phần nhỏ mà thôi, văn hoá mới là thứ quyết định. Khi phong hoá trải nhiều thế hệ đã thấm nhuần cái tinh thần hiếu học của Thánh Hiền, thì bất kể nhu cầu tri thức nào mà thời đại đòi hỏi, cũng đều có những học bá phát tích ra trong phút mốt. Cần phải nhắc lại, 100% các trí thức nổi tiếng, tài năng nhất của Việt Nam thời bắt đầu chuyển sang Tây học, đều có gốc từ các gia đình nhà Nho.

Truyền thống tôn sư trọng đạo, coi việc học là ưu tiên cao nhất của Nho Giáo, nó thể hiện ngay từ những hành động rất bình thường như vặn nhỏ TV vào giờ học tối của con cái, chuẩn bị đồ ăn sáng, khuya, hỏi han bài tập, thành tích, thường xuyên liên lạc với giáo viên… Đây đều là những kinh nghiệm giáo dục ở gia đình đã được truyền lại từ hàng nghìn năm, trải qua vô vàn sự thay đổi về phương thức và nội dung giáo dục của các triều đại, chế độ cai trị khác nhau, nhưng vẫn luôn được chứng minh là hiệu quả nhất.

Có lẽ chúng ta đã hiểu sai ý nghĩa của xã hội hoá giáo dục. Xã hội hoá giáo dục, không thể hiểu theo nghĩa xôi thịt, mông muội là “cho tư nhân tham gia kinh doanh giáo dục”, dù điều này không hẳn là xấu hoàn toàn, nhưng nó chỉ chiếm một phần rất nhỏ của mệnh đề. Xã hội hoá giáo dục, phải là biến giáo dục thành sự nghiệp chung của xã hội, nó đòi hỏi một phổ tư duy, hành động rộng lớn, thống nhất và liên tục, từ những phát ngôn, hành động sâu sát của lãnh đạo, sự thấu hiểu, hợp tác toàn diện của phụ huynh, sự chung tay, không vụ lợi của cả những người dưng trong cả nước, sao cho trung tâm của mọi sự ưu tiên phải được dành cho những người dạy và người học. Đó mới là xã hội hoá giáo dục chân chính.

Cái vấn đề của giáo dục thời nay, là ở chỗ tri thức bị rẻ rúng chăng? Kim tiền được quá trọng, khiến nghiên bút chẳng còn đắc dụng chăng? Nghĩ về thế sự mà không khỏi đau lòng, thật là giày mũ đảo điên, lũng gò đổi chỗ, phường con buôn ít học, xướng ca vô loài thì ngồi Thất Hương Xa, bậc trí giả thông tuệ, hàn lâm bác sĩ thì áo cừu rách nát, khiến cho bao kẻ bụng đầy kinh thuật phải nguội lòng. Sợ tới lúc tiếng bàn Thi Thư im bặt miếu Tích Ung, rau lê rau hoắc mọc kín sân tiền nhà Thái Học, thì dẫu có cho Trương Tái ngồi trên da hổ mà giảng Tây Minh, thì giáo dục, cũng chẳng thể nào chấn hưng lại được nữa.
Thế nên, cần sớm làm 2 việc, đó là đưa Chữ Hán vào giảng từ lớp 1, và dạy Tam Tự Kinh từ tuổi mầm non, đó là 2 thứ căn bản nhất của văn hoá và di sản Nho Giáo của chúng ta, đã bị đứt đoạn 100 năm qua. Chỉ có khôi phục lại văn hoá Nho Giáo, theo cách mà người Hàn đã làm và người Trung Hoa đang làm, thì mới có thể xây dựng một nền văn hoá hiếu học, tôn sùng tri thức, và về lâu dài, xã hội này sẽ tự nó thịnh vượng, ổn định và hài hoà hơn rất nhiều so với một xã hội đua nhau kiếm tiền bằng mọi giá. Đã giỏi, thì yên tâm là sẽ không bao giờ nghèo cả.

Chăm chỉ học tập không bao giờ là sai, Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, chẳng thể nào là cổ hủ, kính trọng thày cô, yêu trường mến bạn, những thứ đó dù vạn năm nữa, vẫn là những cái cơ bản để định nghĩa chúng ta là một con người có giáo dục. Cần phải chấn hưng lại tinh thần Khổng Tử, mở lại Quốc Tử Giám như một trường đại học biểu tượng tinh thần để quy tụ hiền sĩ, là nơi tôn nghiêm mà ngay cả bậc vạn thặng cũng phải lui tới mà học cái thuật trị nước an dân, như khi xưa vua Tề đứng đầu chư hầu liệt quốc, vẫn phải cúi đầu nghe Tuân Tử giảng ở Tắc Hạ Học Cung vậy. Khi giáo hoá đã thấm đẫm dân gian, kinh điển chép đầy tre lụa, trong nước kẻ sĩ ngó thấy mặt nhau trên đường lớn, thì cái việc vua tay chắp sau lưng mà thiên hạ vào chầu, chân chẳng rời chiếu mà bốn phương đều trị, cũng chẳng phải là xa vời vậy.

Vua Sở thích eo thon, trong cung có người nhịn ăn mà chết. Vua Việt yêu dũng sĩ, trong nước có kẻ tự chặt đầu dâng lên. Vua Ngô muốn binh khí tốt, có tên thợ diết hai con lấy máu rèn câu liêm mang đến chầu ở cửa khuyết, từ xưa tới nay, dân nhìn cái lòng yêu ghét của bậc chí tôn để hành động, vốn là điều thiên kinh địa nghĩa vậy. Nay cái việc gắng sức chăm chỉ học giỏi, xét ra so với chết đói, chặt đầu, diết con, thì cũng chưa có gì là quá mức cả, cái bổng lộc, thí thưởng, tán dương dành cho sĩ nhân ưu tú, cân đong so với lợi ích mà họ đem lại cho nước nhà, thì cũng chẳng có gì là đắt đỏ cả. Chỉ sợ bậc Tam Công không có lòng yêu kẻ sĩ, chỗ Cửu Khanh chẳng lấy khuyến học làm lo lắng hàng đầu, còn một khi trong ngoài đã có tâm ngóng hiền tài như khát nước, trên dưới dùng cỗ Thái Lao mà đãi kẻ áo vải hiền lương, thì khắp đất vuông nghìn dặm của Đông Lào, nhân tài kiệt xuất, lúc nào cũng có thể lấy xe voi mà chở vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *