Lục lại ảnh nhiều năm trước, có một cái sự nào đó làm con người trưởng thành, chúng ta đã không còn nói chuyện nhiều, chúng ta nực cười hơn, đa nghi và quyết đoán hơn. Tình cảm là sự bi lụy, gia đình là nơi yên ắng. Đến bây giờ tôi vẫn không nói chuyện được với gia đình, mọi thứ quay vòng vòng qua sách vở, công việc, tự do.
Thế này nhé, giả sử như chỉ có 10 ngày, 10 ngày để sống, liệu cho rằng chúng ta chỉ sống được 10 ngày chúng ta sẽ làm gì. Chẳng có ai bận rộn đi kiếm tiền cả, tất cả đều hưởng thụ và làm thứ mình muốn, nhưng đâu dễ vậy, cuộc sống vẫn là thứ bí ẩn, cái hay của cuộc sống là vậy. Nó bí ẩn, kẻ ngu dốt đã bị cái bí ẩn đấy cuốn hút, họ lao đầu đi, đi trong đêm đen, không biết đến đâu trong cái mê cung ấy. Họ nhận ra 1 cái mới, họ bảo rằng, ở trong cái mê cung này còn cả một cái cây nữa, họ vô tư khoe về nó, và không biết, cuối con đường là gì. Còn những người nhận ra, đi bên ngoài cái mê cung đó, nhìn thấy điểm cuối là một nơi phải bỏ lại mọi thứ, họ đã tiếc nuối cuộc sống họ, và tiếc nuối cuộc sống mọi người. Thế nên họ ước, mọi người đều biết. Cuộc sống chi bằng chỉ vỏn vẹn có 20.
Tôi nhớ, lần đó lang thang về Yên Bái, tôi gặp một người đàn ông, ông ở trong một thùng container, cùng bà, ông là người vẽ chì, bà lên màu, trong cái gian nhà ấy, luôn có hoa, đó là người đầu tiên cho tôi cảm nhận về cuộc sống tự do, cảm nhận về tỉnh thức.
Nếu để kể ra, tôi bị ảnh hưởng bởi khá nhiều họa sĩ, có một lần trên phố, tôi say mèm, loạng choạng chân, cố tìm đường về nhà. Bỗng nhiên tôi gặp 1 người còn say hơn tôi, ông ngồi tựa lưng vào chùa, mắt đã mệt, xin tôi điếu thuốc. Tôi cũng không vững nữa, ngồi cùng ông một khoảng. Ông bảo ông là họa sĩ, vẽ tranh, và cất vào gầm giường, vì không ai hiểu được ông. Tôi đã nghĩ về đam mê từ đó, người đã cho tôi câu hỏi đầu tiên, câu hỏi lớn nhất đầu tiên tôi nhận được khi bắt đầu lớn. Đam mê và tiền, nên chọn gì. Ông cũng còn kể thêm, vì mê vẽ, và quá mê vẽ, vợ ông bỏ đi, ông vẫn lang thang, đi tìm bà. Tôi hỏi để làm gì, ông bảo, Để xin lỗi chứ làm gì, đến giờ rồi, từng tuổi này rồi, tiền không có, con không có, có cái xe rách, ngày ngày đi ra phố là tốt lắm rồi. Ngoài xin lỗi bà ấy ra thì tôi có thiết gì cuộc sống nữa đâu. Tôi lại lặng đi một khoảng sau thời gian đó.
Người họa sĩ thứ 3. Người đặc biệt nhất, theo tôi là vậy ở cái Hà Nội này. Ông bỏ nhà đi, ở dưới gầm cầu vượt, gần Linh Đàm. Ông cất 1 căn lều, trà nước lúc nào cũng sẵn, tiếp đón từ công an đến ăn xin. Một ngày hè gió lốc, cuốn mất của ông một mảng nóc nhà, ông bảo, Vậy cũng tốt, ông có thể ngắm sao cả đêm. Tôi gặp ông vào một ngày mưa, chính xác là tôi nói chuyện lần đầu tiên với ông vào một ngày mưa, tôi ghé đó trú mưa, ông lôi bảng vẽ ra vẽ, bằng tay. Ông đã hỏi tôi có còn vui không. Và ông bảo tôi hãy cảm nhận bằng con tim mình. Tôi đã nghĩ về nó từ khi mưa còn rần rần trực đổ đến lúc mọi người nở nhẹ nụ cười hít mùi khí trời mới rửa mà không qua lớp áo mưa. Tôi đã nghĩ về nó. Đến một ngày đông, ông mất, cái bàn thờ lạnh dưới chân cầu. 1 tháng sau mới bị dẹp, nhưng đến lúc tôi qua đó gần đây nhất, tôi vẫn thấy có nén nhang cắm đúng chỗ ông từng ở.
Cũng có một người họa sĩ nữa, ông không nghèo khó, không khổ hạnh, không sống như những người trên. Ông sống, và sống, có tiền thì ông tiêu, hết tiền thì ông mượn, ông nhìn thẳng sự thật, nhưng qua lăng kính của ông. Lăng kính của sự thật, ông hay kể về triết học, tâm lý, và hàng ngàn ý tưởng. Chúng tôi có thể luyên thuyên hàng giờ liền. Đa tài và bách nghệ, tôi học từ đó đầu tiên.
Giá như cuộc sống chỉ 20
Thật ra những cái trên chẳng liên quan đến nhau mấy. Chỉ là mỗi đoạn, tôi thấy, là một sự trưởng thành
Cảm ơn a, em mới tìm thông tin kinh tế trên google và vô tình biết đến trang a. E đoc thì thấy rất hay dù chưa hiểu được hết điều a muốn nói vì em chưa học hết cấp 3 cungf với trai nghiệm ít nữa. Nhưng vẫn mong nhận được bài viết mới từ a.