Trịnh

Ngoài phố mùa đông
Đôi môi em là đốm lửa hồng
Ru đời đi nhé
Cho ta nương nhờ lúc thở than
Cho tôi tay gối mong manh
Cho tôi ôm lấy vai thon

Ai nghe nhạc Trịnh nhiều cũng cảm thấy đôi chút hơi thở phật giáo loanh quanh trong nhạc ông, và cả cách cảm nhận của kẻ buông bỏ, bất cần

Tôi đi tìm quanh đây, bao loài hoa cỏ lạ
Tôi mang về giữa phố, cắm trên những đường đi

Vấn đề ở đây là về Phật giáo, dậy về cách buông bỏ, buông bỏ tất cả mọi thứ để thoát được ra vòng luân hồi, nhưng tình cảm cũng là một dạng tạp niệm, mà đúng theo lời phật dậy, còn tạp niệm là còn ưu tư, còn ưu tư là còn đau khổ, còn đau khổ là còn luân hồi. Ý tôi không chê gì bác Trịnh, bác Trịnh có nhiều câu rất đẹp, bác Trịnh hiểu về Phật, tôi biết, nhạc bác Trịnh sâu, tôi cũng biết, nhưng để nghe trong những ngày dài, tôi xin trọn nhạc DSK hơn là nhạc bác Trịnh. Vấn đề duy nhất cho điều đó là vì tôi nghĩ, một người nếu đã muốn thoát ra thì không nên ở lại. Và đã định ở lại thì đừng nghĩ đến chuyện thoát ra. Nó là vấn đề về đạo đức và tôn nghiêm. Giống một nhà triết học nào đó, thà chết chứ không chạy vào vường đậu.

Có thể bạn nghĩ, tôn giáo là một cái gì đó nực cười và xuẩn ngốc. Nhưng đến cuối đời, một người đã hiểu rõ mọi người, nếu không có tôn giáo, vậy chúng ta sẽ tin vào việc gì. Tôn giáo, nói về tâm lý theo cách của phật giáo,trong phân tâm học, như là một dạng chánh niệm, dù thế nào ta vẫn tin vào tôn giáo, dù thế nào ta vẫn tin vào phật, dù thế nào ta vẫn tin vào luân hồi,… dù thế nào đi nữa

Trở lại vấn đề về việc nhạc của bác Trịnh, dĩ nhiên nhạc của bác Trịnh hay. Nhưng về một góc độ nào đó, bác Trịnh vẫn lưu luyến trần gian nhiều lắm, giống tôi vậy.

Có những ngày nằm gọn trong vòng tay của người

Một sáng chủ nhật, trời Hà Nội lạnh, tiết trời vũ thuỷ đã quá tuần, theo lịch thì nay lại là một ngày lạnh. Tôi đặt con mèo sang 1 bên, sờ soạng chiếc điện thoại, đồng hồ chuyển số 6. rồi nhích sang số 7, em đã ngủ từ 8 tiếng trước, bỏ mặc tôi, cùng một cơn đau đầu đến giữa đêm làm tôi hoang mang. Tôi muốn gọi em, nhưng lòng tôi không muốn em tỉnh dậy, trời lạnh, làm tôi chậm chạp, mở chiếc máy tính và ngồi chơi game đến giờ, con mèo về giữa lòng tôi, ngủ một cách ngon lành, như em. Còn tôi, biết làm gì trong một ngày mây trời còn chẳng thèm ghé đến thăm, sao cũng được, vì cơn mơ chẳng thèm long lanh nữa, trời nhích chậm, từ sáng sang đêm, chẳng còn gì cử động trên thế giới này. Mọi thứ là sự tĩnh lặng hoàn toàn, vậy thì tôi có khi cũng nên vậy. Tĩnh lặng hoàn toàn.

Họ thường nói về ngày tồi tệ, tôi thích hơn kể chuyện về một ngày cô đơn. Họ bảo họ mệt mỏi, tôi nói họ tự tìm đến điều tồi tệ, họ nói họ không đủ thời gian, tôi bảo họ tự làm họ quá tải, họ nghĩ cuộc sống làm họ kiệt sức, tôi thì chán nản trong sự mắc kẹt giữa hàng tá sự khởi nguồn, họ nghĩ họ đang làm thứ họ thích, tôi bảo họ chỉ đang làm thứ họ cần. Họ cười và nghĩ tôi nói đùa, tôi không cười và bảo hãy thưởng thức.

Có một sự chênh lệch cực cao giữa sự ngộ giác và điều sinh tồn. Thậm chí còn cao hơn mức giàu và nghèo, đa số chúng ta nhìn vào thứ đã tồn tại và tự nghĩ rằng mình cần theo họ, nhưng khi bị thuyết phục họ lại tin vô điều kiện, đó chính là sự nguy hiểm. Tình yêu vô điều kiện, công việc vô điều kiện, gia đình vô điều kiện, tốt vô điều kiện và con người vô điều kiện. Họ bỏ mặc tri thức, sự khách quan, sự hiển nhiên, chạy theo đám vô tri, chạy theo người khác nghĩ, chạy theo sự theo đuổi. Tôi từng gặp 1 người bố, đã bỏ con mình vì người thầy bói bảo cả đời nó sẽ không làm gì lên hồn. Tôi đã gặp cậu ta vài tháng trước, sự nhiệt huyết làm mặt cậu ửng hồng, trong máu cậu là đam mê và tuổi trẻ, cậu gặp tôi, cười nói, kể chuyện và cười nói. Cậu chưa làm ra gì, đúng thật, nhưng chúng ta còn tìm gì hơn một người có thể sẵn sàng làm thứ họ thích với toàn bộ sự thích của họ. Suy cho cùng thì tuổi trẻ chúng ta còn gì hơn ngoài sự chán nản và lòng nhiệt thành.

“Và rồi thì sợ nhất lúc mình hung hăng
Cái tư tưởng nhị nguyên, đúng sai nó lung ta lung tung
Chẳng nói chẳng rằng, đùng đà đùng đùng, vùng và vùng vằng
MRDL – DSK”

Vật chất quyết định ý thức hay ý thức quyết định vật chất. Đó chính là sự suy nghĩ nhị nguyên ban sơ nhất

Bát nhã tâm kinh

Phật nói trọn vẹn, đầy đủ không thiếu xót, không thể thêm bớt về con người, Tâm lý học chỉ là một phần nhỏ nằm trong những điều Phật nói.
Bát Nhã Tâm Kinh là trái tim của Đạo Phật, ngắn ngọn mà tròn đầy, rốt ráo
Nhà trị liệu hiểu sơ về Ngũ uẩn đã có thể động đến sâu thẳm tâm hồn, tâm trí con người, từ đó khéo léo sửa đổi điều hoà hiện tượng bên ngoài.
Tâm lý trị liệu có thể trị phần nào tâm bệnh, Phật pháp lại có thể khiến con người thâm nhập vào một trạng thái trên cả hạnh phúc, là An Lạc ngay trong Khổ đau, Tự tại đón nhận cuộc đời.

Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh
Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.
Xá-lợi-tử ! Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc.
Thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị.

Nhân hậu

Thời đại này không còn mấy người đưa sự nhân hậu vào trong tiêu chí chọn vợ chồng nữa. Chủ yếu người ta chỉ bận tâm đến hai chuyện là giàu và đẹp.

Nhiều vụ việc bạo hành dã man trong gia đình xuất hiện gần đây trên báo chính là minh chứng cho việc lối suy nghĩ ấy đang đưa cả xã hội đến với một hệ quả thế nào. Và đáng buồn hơn nữa là, những sự việc như thế này rồi sẽ còn tiếp tục được phơi bày. Đơn giản là vì sai lầm trong lối suy nghĩ của cả một thế hệ không thể biến mất chỉ trong một sớm một chiều.

Từ xưa tôi vẫn hay nghe người lớn tuổi nói về việc phúc đức tại mẫu, ý là cuộc đời con cái sau này có được sung sướng hay không đầu tiên phải xem ở cách sống của những người làm cha làm mẹ.

Một người nhân hậu, đơn thuần là người có tấm lòng thương cảm được với nỗi khổ và khó khăn của người khác. Họ giúp người tốt làm thêm nhiều việc tốt, tạo cơ hội cho những người đang sa cơ lỡ vận, cứu giúp những người bị bỏ mặc đáng thương. Trong mỗi gia đình chỉ cần có một người như thế thôi là đã đủ để gia đạo yên ấm hài hoà.

Những gia đình như thế có thể không phải là các đại phú hào, đại mỹ nhân, nhưng chỉ cần một đứa trẻ được lớn lên trong gia đình như vậy là đã đầy đủ về vật chất đến tinh thần, sẵn sàng để trở thành một người tử tế sau này trong xã hội rồi. Chuyện giàu hay đẹp, cuối cùng vẫn quay về với cái gốc là ai thiếu cái gì thì vẫn thường thèm khát cái đó. Đôi khi họ còn không tự nhận ra được điều đó ở bản thân.

Giàu và đẹp dù sao vẫn luôn là hai điều cực kỳ đáng để phấn đấu. Tuy vậy, chúng không phải là điều kiện tiên quyết để có một gia đình hạnh phúc. Gia đình không phải là công cụ bắc cầu để một người thoả mãn bản thân. Đó là môi trường để chúng ta nuôi lớn những đứa trẻ, để lại cho hậu thế những bài học mà cuộc đời này mình đã đúc rút. Nếu bạn nghĩ kết hôn là vì tình yêu hay vì một điều gì khác, hãy hoãn chuyện lập gia đình lại cũng được.

Khoảng hơn 100 năm trước, nhân loại xoá bỏ hệ thống nô lệ không phải chỉ vì đó là một việc “văn minh”. Mà vì hành vi đánh đập, nô dịch, ngược đãi một con người khác là những hành động quá dã man. Giống loài của chúng ta nên trở thành một thứ tốt hơn như thế. Rất tiếc là từ ấy đến giờ, sự thật ở đời vẫn luôn là khác máu thì tanh lòng.

Chuyện lạnh người nhất ngày hôm nay không chỉ đơn giản là việc có một bé gái bị đánh đập tàn nhẫn đến chết. Mà là khi bạn google về vụ việc này, bạn sẽ còn tìm ra nhiều bé gái tương tự. Thậm chí bạn sẽ còn phải tự hỏi bé gái “hôm nay” là ai trong số đó.

Luyên thuyên 1

Trời chuyển về đêm, cơn mưa dầm dề cũng dứt, anh lê thê qua từng dòng nhạc nặng nề, tận đâu đó mà trở về nhà, mà du dương, mà lay lất, mà buồn.
Nhịp đời còn tung tăng nhiều, nhưng đời người cũng mệt. Đột nhiên, ngửi mùi sương xuống, buốt sống mũi, anh bỗng muốn nghe tiếng dế mèn hát về đêm, tiếng xà lan ngân nga giữa trăng, tiếng muỗi vo ve, hơn là tiếng xe cộ dầm dì cả đêm, tiếng cười nói nuốt chửng con phố này.
À, đêm qua anh lại thức dậy giữa đêm, bần thần tỉnh giấc và thoát khỏi cơn mơ và anh thấy lúc đó mình ngây ngô như đứa trẻ với cái hào nhoáng bên ngoài này. Anh với điện thoại, ngày giờ chuyển sang số khác, pin cũng sắp cạn, có lẽ đêm qua anh ngủ quên, cũng tốt, một cơn ngủ đến bất chợt, ngây ngô như đứa trẻ. Anh định gọi em nhưng đã quá muộn, ngày ngày đêm đêm, vẫn dài như nhau, vẫn đằng đẵng, như nhau. Nên để em ngủ thật sâu giấc, thì tốt hơn. Vì, ngày mai, cũng lại là một ngày dài, như đêm vậy, như nhau.
Cuộc sống thật vui khi có em, đã lâu rồi, chẳng ai rảnh rỗi để ngồi cùng anh trên cầu, bên sông, lê thê qua đường, và tần ngần nhìn mưa rơi, cùng anh. Rồi thời gian, bỗng làm anh hiểu được, anh thực sự hiểu được tại sao, những người tu hành từ bé, họ không trải qua những sóng gió, sao họ có thể biêt được bình yên, anh bỗng nhận ra, chỉ cần tâm họ an tịnh, là đủ cho một đời vô ưu.

Có khi nào lại buồn thế


Một lần nữa anh lại đi về một mình
Trở thành người nào đó trong bộ phim khác, tự do và tốt tính

Trời trở đông, lạnh buốt tâm hồn và lòng bàn tay, gió lùa qua khuy áo, nhẹ nhàng và làm lạnh trĩu trong người. Anh gặp một người độc bộ giữa đêm, cũng như thường lệ, anh cho người ta nốt số tiền trong ví. Chắc lần này số tiền lớn nên họ bỗng chốc giật mình, ngước nhìn anh, rồi nhìn chiếc cốc, rồi lại nhìn anh.

-Này cậu ơi, hình như cậu đưa nhầm

Tôi bỗng giật mình, có lẽ một phần vì lạnh, có lẽ vì tôi đang nghĩ vẩn vơ đâu đó.

-Dạ đêm lạnh rồi, bác về đi cho đỡ khổ. À cho con xin điếu thuốc được không

Ông tần ngần, vẻ không muốn về, vẻ không muốn nhận, rút túi áo ra điếu thuốc đưa tôi. Chờ đèn đỏ làm tôi mệt mỏi hoặc trở về cuộc sống hiện tại làm tôi mệt mỏi, tôi dừng xe vệ đường, xin ông chút lửa, tôi, và ông, ngồi vệ đường, châm cùng nhau điếu thuốc.
Ông hỏi

Mắt cậu có vẻ buồn

Tôi không nói, có lẽ tôi vẫn đang lang thang ở dãy nhà ai đó, có lẽ tôi vẫn mơ màng thưởng thức bên khói thuốc và sương lam, chắc tôi vẫn chưa muốn về cuộc sống hiện tại.
Ông cũng không nói gì nữa, ngân nga hát bài gì đó tôi không biết, khói thuốc đung đưa bên ông, đung đưa bên tôi, cuốn quýt nỗi buồn tôi, và có lẽ là cả ông nữa, tôi không biết, có lẽ ông cũng buồn. Ông hút chậm chậm, điếu thăng long cháy nhẹ trên tay ông, nhưng không tắt, như không đợi ai, điếu thuốc, như thời gian vậy, không đợi ai, chỉ còn tro tàn nghi ngút.

-Bài này tên là gì bác, con chưa nghe bao giờ.

Ông quay lại nhìn vào tôi, rồi lại quay lại, có lẽ nhìn vào ông. Ông bảo ông chỉ bịa ra cho vui, ừ thì bịa ra cho vui, ấy vậy mà lời bài hát thê lương biết bao, vậy thì là ông bịa ra cho thêm buồn chứ, vậy là ông cũng buồn nhiều chứ.
Tôi định xin ông thêm điếu thuốc nữa, nhưng bỏ thuốc lâu mà hút lại làm tôi thấy khan họng. Tôi đứng dậy, con đường vẫn mờ tối, lập lòe ánh đèn vàng. Định vươn vai 1 cái mà có lẽ tôi không đủ sức, tôi hít một hơi, cái lạnh lại luồn vào tít bên trong, lòng tôi lại nặng trĩu.

-Thôi cháu về đây, cảm ơn bác điếu thuốc.

Ông không nói, ông nhìn tôi, không nói, ông vẫn ngồi đó đến lúc tôi đi xa, quanh qua khúc quanh, tôi vẫn thấy ông ngồi đó, dù mấy đèn đỏ đã chớp nháy chạy qua, có lẽ, tôi lại động vào nỗi buồn nào đó, to lớn hơn tôi, to lớn hơn ông, to lớn hơn chúng ta

Không đề 1

Thế này nhé, có những cảm giác, không biết làm gì hoặc không thể làm gì. Mọi thứ, ý tôi là tất cả mọi thứ, đổ xuống, một chiều, như domino, ngả nghiêng cả hàng cây đến con người. Đó là lúc, sự nhận thức được hình thành.

Ai cũng biết rằng, vui vẻ sẽ tốt hơn buồn chán, tha thứ tốt hơn thù hận, mùi mẫn tốt hơn đắng cay,… và 9 tỉ con người trên thế giới này đều biết điều đó. Nhưng mấy người nhận được sự thật, rằng, khi chúng ta còn xao động, thì chúng ta còn bị ảnh hưởng.
Nếu không muốn buồn thì đừng nghĩ nữa, nếu không muốn vui thì đừng nghĩ nữa,

Thứ 7

Mọi thứ trôi về cùng cơn mưa, rả rích rả rích mà lạnh thấu tôi đã mấy ngày rồi. Mưa về, như những sợi dây buộc lủng lẳng kí ức, những sợi dây cót đồng hồ. Đúng giờ lại vang lên, kêu réo đủ thứ buồn phiền dài ra, phải vang vọng đủ từng ấy tiếng rồi mới dần im lặng, nhưng không tắt. Đã mấy ngày rồi, tiếng vọng ấy, không tắt.

Mưa về, lạnh buốt trong tôi. Với em, có lẽ nay là một ngày vui vẻ, nhưng với tôi, tuần này chẳng có gì làm tôi cười nổi. Tôi nhận thấy tôi dần xa tôi, tôi nhận thấy tôi dần xa mọi người, nhưng sự hiển nhiên như trí tuệ, tôi đã dùng để cùng với lòng tham lam, mà làm lụng mà vất vả. Chúng ta, những con thiêu thân ngàn năm, đã lao đầu vào thứ gọi là cuộc sống, để rồi chết, lúc 20 và đến 70 tuổi, chúng ta mới được chôn, tôi nhận ra rằng, cả tôi cũng thế. Chết lúc 20 và 70 tuổi mới đem đi chôn, thật buồn. Thế hệ này đã chiếm lấy tôi, như một sự hiển nhiên hằng cửu, những kẻ lạc loài, sinh lầm thế kỉ.

Tôi ngồi nhìn chiếc cây chuyển từ vàng sang sanh, rồi lại vàng. Tôi nhìn trời mây, chuyển từ mưa sang tạnh, rồi lại mưa. Tôi ngồi nhìn tôi chuyển từ say sang tỉnh, rồi lại say. Cơn say đưa tôi vào sự nhẹ nhàng, cơn say đưa tôi tìm ra tôi, dù một thoáng, như chiếc bóng, đi theo tôi hằng cửu, trước đây, tôi tưởng rằng, chúng ta chính là chúng ta, giờ đây tôi biết, chúng ta là một phần của thế giới, của sự vận động và điều tuần hoàn. Của thế giới, của nhân loại, người chết ở trong đó và kẻ chết sẽ thoát ra, dù gì chúng ta cũng chết, dù gì, chúng ta, cũng chết.

Em tôi, một cơn say, em bảo về sự trải nghiệm, và điều khuyên nhủ. Tôi biết, mang tiếng là một người lắm lời, tôi biết về việc đó, sự chủ quan của chúng ta vô tình đưa mọi sự về cõi tắc. Họ không nghe ta cũng sai và họ nghe ta còn sai hơn nữa, nhưng đau buồn thay, chính sự chủ quan đã điều khiển chúng ta, sự nhận định nhất thời ấy vô tình áp đặt lên người khác, áp đặt lên sự sống một áp lực vô hình, với sự trung bình trung như nhà và xe, làm chúng ta mải miết mãi với sự áp lực vô hình chung nhu nhà và xe. Kẻ thua cuộc mãi là kẻ lạc loài, kẻ thoát ra cũng chẳng khá hơn kẻ lạc loài. Kẻ chết là kẻ vui vẻ ( nhưng bất hiếu ). Cuộc sống kim tiền, đã đẩy chúng ta, đến những đấu trường

Thương em, thương tôi.

Có em Bên đời bỗng vui

Trời chuyển về đêm, cơn mưa dầm dề cũng dứt, anh lê thê qua từng dòng nhạc nặng nề, tận đâu đó mà trở về nhà, mà du dương, mà lay lất, mà buồn.

Nhịp đời còn tung tăng nhiều, nhưng đời người cũng mệt. Đột nhiên, ngửi mùi sương xuống, buốt sống mũi, anh bỗng muốn nghe tiếng dế mèn hát về đêm, tiếng xà lan ngân nga giữa trăng, tiếng muỗi vo ve, hơn là tiếng xe cộ dầm dì cả đêm, tiếng cười nói nuốt chửng con phố này.

À, đêm qua anh lại thức dậy giữa đêm, bần thần tỉnh giấc và thoát khỏi cơn mơ và anh thấy lúc đó mình ngây ngô như đứa trẻ với cái hào nhoáng bên ngoài này. Anh với điện thoại, ngày giờ chuyển sang số khác, pin cũng sắp cạn, có lẽ đêm qua anh ngủ quên, cũng tốt, một cơn ngủ đến bất chợt, ngây ngô như đứa trẻ. Anh định gọi em nhưng đã quá muộn, ngày ngày đêm đêm, vẫn dài như nhau, vẫn đằng đẵng, như nhau. Nên để em ngủ thật sâu giấc, thì tốt hơn. Vì, ngày mai, cũng lại là một ngày dài, như đêm vậy, đều như nhau.

Cuộc sống thật vui khi có em, đã lâu rồi, chẳng ai rảnh rỗi để ngồi cùng anh trên cầu, bên sông, lê thê qua đường, và tần ngần nhìn mưa rơi, cùng anh. Rồi thời gian, bỗng làm anh hiểu được, anh thực sự hiểu được tại sao, những người tu hành từ bé, họ không trải qua những sóng gió, sao họ có thể biêt được bình yên, anh bỗng nhận ra, chỉ cần tâm họ an tịnh, là đủ cho một đời vô ưu.

Chiều buồn, giông về, những ngày ngồi với trời.

Tôi kê chân bậu cửa, chờ trời sắp xếp xong bữa mưa thịnh xoạn. Ngồi buồn, giông về, mây đen lại kéo đến, cơn buồn lại đến thăm.

Tôi kéo lấy ống cổ tay áo, sắn đúng 3 lần mỗi bên, lên xe và chạy băng băng trên đường thời gian. Ông bạn trời của tôi đã gọi từ đêm qua, đợi tôi trong căn nhà xám xịt, dọn xong chiếc bàn còn vương vãi mây mờ mờ trôi. Bà trời đi vắng từ chiều qua, làm ông buồn, và tôi cũng vậy. Hai chúng tôi hẹn nhau, một ngày, bỏ hết công việc, bỏ hết bạn bè, quên cả người quen, chỉ mình tôi cùng ông, nhậu từ chiều đến đêm thâu, xa cả sự đời. Ông vui vẻ chấp thuận, dọn sạch bàn ăn tên bầu trời. Trải lên một khăn trải bàn xanh biếc màu xanh dương, không chút vẩn đục, hàng loạt món nhậu mây đen được ông chuẩn bị sẵn, đem ra lúc tôi về, nhạc cũng nổi trong căn phòng đó. Ánh đèn chớp nháy liên tục. Cuộc liên hoan giữa hai kẻ buồn với nhau, so với mọi khi thì thật tươi vui và rộn rã.

Tôi chào ông, ông với lấy tay tôi, dẫn tôi vào bàn ăn, nhạc và đèn giờ đã dịu dịu đều đều. Ông kể tôi nghe về thời gian ông xa loài người, còn tôi luyên thuyên ông nghe đủ thứ chuyện lạ kì. Nào là có người mang tiếng nhiều tiền lắm mà lúc nào cũng vẫn làm việc, nào là có người thảnh thơi lắm nhưng lúc nào cũng âu sầu, nào là có người chẳng biết mình là ai, cứ đi tìm mình mãi qua việc đọc sách và soi gương. Ông cười giòn giã, rồi bảo tôi biên đôi câu thơ. Ấy cũng lúc cao hứng, tôi đọc vội mấy câu.

Cười trông thế sự hài hài
Trời đương trước mặt, người mãi tìm đâu
Ngẩn lên, cúi xuống cũng rầu
Can qua chẳng đặng, bể dâu chẳng thành
Phương đâu chim đậu đất lành
Bay qua cửa bể, lại thành kẻ điên
Say chưa mà nói luyên thuyên
Bạn tôi liền nói, đừng phiền người khôn

Ông bật cười, bảo tôi nói chuyện con cóc,

-Ấy,
Tôi đương đà cãi,

-Vậy mà họ đòi làm cậu ông đó.
Ông lại cười, lần này còn cười to hơn

-Cóc với ếch, cùng họ nhau cả thôi