Say

Thi nhân nằm ngủ ngoài đồng
Người nồng hương rượu, trăng hồng men bia
Đi đâu mà nhớ miền kia
Đi đâu mà nhớ miền kia mà về
Hoa cau rụng trắng triền đê
Vườn trầu phong phủ, người về người đi

Mơ Màng Mơ Màng Trần Gian

Lại qua, qua lại một thời
Đứng ngồi, ngồi đứng một đời về không
Về không, về không cõi lòng
Cõi lòng một cõi, về mong mẹ cười

Mẹ cười, cười giữa đường xưa
Đường xưa, lối cũ, đường chưa có đèn
Có đèn đường rộng chẳng quen
Chẳng quen đường rộng, lạ bên đường làng

Mơ màng mơ màng trần gian
Trần gian mà rộng, trần gian mà về

Giao ngày, giao mùa

Mưa, mưa hoài, mưa đã dầm dì cả ngày, cái mưa mà không át nổi cái nắng. Ấy, ấy thế là điều tệ bạc nhất mà thượng đế bạn tặng cho con người vào cái ngày thứ 7 buồn tẻ này.
Khi mà con người nào vui vẻ, họ cảm nhận cái tiết trời thanh mát, họ hẹn lòng mình hiu hiu với gió trời hồ tây, hay thả lòng thoáng nhẹ giữa gian hàng ngô nướng nửa đêm, đầy ắp khói trời Hà Nội. Còn khi mà không vui, con người cũng có thể từ chối nhẹ nhàng những cuộc hẹn không hay, để rồi quên mất một thoáng, rằng lời hứa đã bắt đầu từ đâu đó, nằm đắp chăn, bật quạt, ôm gối mà ngủ, chẳng ai biết ai, chẳng ai trách móc ai trong những ngày như vậy
Còn những kẻ như anh, những kẻ tuyệt vọng như anh, người nồng mùi tequila và chuếnh choáng vị khen khét của gỗ thông. Những kẻ đó đã buồn nhiều, nhưng đêm đầy đủ sao và trăng và những ngày đầy đủ nắng và gió. Ý anh là, những nỗi buồn ấy, nó cũng giống như đêm và ngày, dài đằng đẵng như thời gian, lặp lại, lặp lại, và nếu có chăng khác biệt, thì chỉ là ban ngày không quá tối tăm như vậy. Đó, đó nên, thời tiết thật đẹp, nhưng anh vẫn thấy nó tệ, nó tệ theo cái cách một cô bé đã hời hợt nhiều quá.
Nhưng nếu để nghĩ kỹ thì kể ra nó cũng tốt, nó tốt cho anh hay đại loại là những kẻ như anh, chợt đến, chợt đi, vui một chút, buồn một chút, chẳng đủ làm ướt lòng ai đó, cũng chẳng đủ làm hồng má ai. Cơn mưa này kể ra cũng tuyệt
Anh chỉ là một gã phàm phu,
Được nhào nặn hình hài từ cát bụi,
Trong mắt họ liệu anh đáng một xu,
Đất mẹ trao anh một gia tài trần trụi.
Dép, ông ấy viết thế, và anh biết, ông ấy nghĩ ngợi gì vào những ngày như vậy.
Mưa vẫn giăng lối nhỏ khi anh viết nốt đoạn này. Anh suy nghĩ nhiều về việc có nên, hay không nên làm một điều gì đó. Đêm qua, anh lại vừa quá chén. Anh nói cho mọi người nghe về giao ngày, và rồi hôm nay, anh bất ngờ viết thêm giao mùa vào tiêu đề. Nó cũng hỗn loạn, hỗn loạn như anh, và tuyệt nhiên, lúc nào, cũng buồn, như anh

Nguyễn Huy Thiệp

Nguyễn Huy Thiệp – Lúc sống người ta đóng sách của ông, bọc da sáng loáng rồi gửi ra nước ngoài bán, ở Việt Nam thì tuyệt nhiên không ai biết, thích, và đọc sách của ông. Đến lúc mất, họ lại đào văn của ông lên và ỉ ôi theo đúng cách mà vợ cả ông giáo Quỳ đã tha thứ cho vợ hai vậy =)))) Sách của ông bọc da, bán một quyển bên bển hơn 10tr đồng, để rồi khi chết, cả gia đình không còn đủ mua một quyển sách bọn dân AnNam bán ra ngoài của ôngThan ôi cũng một phận, đừng nghĩ đến lợi, nghĩ đến lợi nhọc thân.

Chuyện Ông Giáo Quỳ – Nguyễn Huy Thiệp

Ông giáo Quỳ dạy cấp một, tính thương người, hay đọc sách từ nhỏ. Lớn lên, cha mẹ đi hỏi vợ cho, ông giáo Quỳ bảo: Cô đừng lấy tôi rồi khổ một đời. Người kia bảo: Khổ cũng lấy. ông giáo Quỳ bảo: Lời tôi thì đừng sợ nghèo là một, đừng sợ nhục là hai, đừng ghen tuông là ba, phải trọng liêm sỉ là bốn. Người kia bảo: Biết trọng liêm sỉ thì ba việc trước là thường. Hai vợ chồng lấy nhau ăn ở tâm đắc. ông giáo Quỳ về sau bị đuổi việc vì dạy trẻ con không chịu dạy theo sách giáo khoa, cứ tục ngữ ca dao mà dạy. Một lần đi chấm thi ở Hải Phòng, thấy cô gái giang hồ đang bụng mang dạ chửa không có nơi sinh nở thì đưa về làm vợ hai, vợ cả cũng chẳng nói gì, còn cấp tiền cho để làm nhà riêng. Biết vợ hai phong tình, vẫn hay đi lại với nhiều người, ông giáo Quỳ cũng mặc, chỉ bảo: Cô ngủ với ai thì nhớ đòi tiền, không có tiền thì lấy thóc hay lấy lợn vịt thế vào chử đừng ngủ không. Cả làng cười, ông giáo Quỳ cũng mặc. ông giáo Quỳ hay uống rượu, rượu vào thơ ra, có nhiều bài nghe cũng được.

Ông giáo Quỳ ở nhà một mình, nằm võng đọc sách. Tôi và Quyên chào. ông giáo Quỳ vội nhỏm dậy pha nước. Chúng tôi ngồi ở chõng tre dưới dàn thiên lý. ông giáo hỏi Quyên: Cô học đại học bên Mỹ thì lợi cho ai? Quyên bảo: Lợi cho cháu, cho gia đình, cho đất nước. Ông giáo Quỳ cười: – Đừng nghĩ đến lợi, nghĩ đến lợi nhọc mình.

Chúng tôi ngồi ăn khoai sọ chấm muối vừng. Ông giáo Quỳ cầm quyển sách nhét xuống chiếu. Quyên bảo: Bác làm thế nát mất sách rồi còn gì. Ông giáo Quý cười: Nát thì thôi. Đọc sách để có tri thức. Có tri thức để sống đời mình có nghĩa. Nắng lọc qua dàn hoa rải những vệt nắng trên đất. Cả ông giáo Quỳ, cả Quyên, cả tôi đều cùng im lặng. Tôi muốn ra đồng. Quyên bảo: Tôi về lần này rất muốn có một ấn tượng đúng về đồng quê. Anh đi đâu cho tôi đi với. Tôi lưỡng lự. Ông giáo Quỳ cười: Cô ấy là đàn bà, sao lại chối từ đàn bà được?

Chúng tôi chào ông Quỳ rồi ra đồng. Quyên bảo: Cánh đồng rộng quá…Anh có biết cánh đồng bắt đầu từ đâu không?

Cánh đồng bắt đầu từ nơi rất sâu trong lòng tôi

Trong máu thịt tôi đã có cánh đồng

Đứng bên ni đồng mênh mông bát ngát

Đứng bên tê đồng bát ngát mênh mông.

Tôi làm sao quên được nơi mẹ smh tôi

Mẹ đã buộc cuống rốn tôi bằng sợi chỉ

Tắm gội cho tôi bằng nước ao đầm trước

Tôi biết khóc cững vô ích vì tất cả phải chờ đợi

Phải chờ đợi từ tháng giêng đên tháng chạp

Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà

Tôi đi qua rất nhiều bờ ngang bờ dọc lầm lạc

Đi qua rất nhiều gian khó, thô tục

Tôi phải gieo trồng, gặt hái trên cánh đồng này

Phải thuộc tên nhiều loài sâu bọ

Còn cánh đồng thì khi mu a, khi năng.

Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu

Rồi ngày kia.

(Cái ngày xung tháng hạn)

Có một người đàn bà đến làm cho tôi đau

Nàng dạy tôi thói bạc tình

Bằng cách phản bội tôi như có thể phản bội một ngươi thường

Tôi lẳng lặng chôn nỗi căm ghé cánh đồng.

Trong mạch đất hiểm có hình lưỡi kiếm

Những bông hoa mơ ước héo trên tay

Công việc trở nên nặng nề hơn trước

Tôi bán những sản vật làm ra với giá rẻ như bèo

Đã có những mùa thu hoạch lớn

Tôi cũng đã phá sản đôi lần

Khi chiều xuống, hoàng hôn tĩnh lặng

Tôi không kịp xem những vết sẹo trên người

Chỉ biết rằng tôi đã mang thương tích

Đêm

Những vì sao thắp nến trên bầu trời

Tôi đắp tấm vải liệm sực mùi đồng nội lên người

Khi ấy, bạn ơi, bạn trẻ ơi

Bạn hiểu cho tôi

Tôi đã gắng làm cho cánh đồng phì nhiêu

Tôi dẫn Quyên đi qua cánh đồng màu. Quyên hỏi. Giá nông phẩm quê anh năm nay tăng giảm thế nào? Tôi bảo: Tăng 0,4%. Quyên bảo: Chết thật! Thế mà hàng công nghiệp tăng 2,2%. Thế giá phân bón thế nào?. Tôi bảo: Đạm tăng l,6%, lân tăng l,4% . Quyên hỏi: Quê anh có dùng điện không? Tôi bảo: Không. Quyên bảo: Giá điện tăng 2,2%.

Khoảng 10 giờ sáng là khoảng thời gian đông người trên đồng, có nhiều phụ nữ, trẻ em. Họ là những nguồn lao động chính. Đàn ông quê tôi phiêu lưu, lại nhiều ảo tưởng, họ ôm ấp ước mơ làm giầu nên hay bỏ ra ngoài thành phố tìm việc, đi buôn bán. Cũng có người lăn lộn vào tận mlen trong đào vàng, đào hồng ngọc. Khi về, tính tình họ đổi khác, họ trở nên những con thú dữ độc. Chú Phụng là người như vậy.

Ngày buồn với Dsk cùng Van Gogh

Và, liệu, con có thể chạm tay vào một, dù chỉ là một trong những ngôi sao đó
Cho dù chỉ là một thôi, một trong những ngôi sao đó
Thằng nhóc nói có, và đặt tay lên mặt đất.
Tôi cứ băn khoăn mãi, không phải là vì ý nghĩa, mà là vì con người đó đã đủ lớn thế nào, để viết ra câu đó.
Mẹ ông mất, nếu ai đó chưa hiểu, hoặc cũng có thể hiểu như một kẻ lấm lét giữa đời, ôm cái giấc mộng xa vời mà chẳng biết đến đâu, đến chính kẻ đó, xa vời, mà chẳng biết đến đâu. Bất giác, giật mình, nhún vai, ngả lưng, buông sõng cả tay lẫn chân, mà nhận ra rằng, kẻ đó, đã đi lại hoài trên một ngôi sao, ngôi sao mang tên trái đất.
Nghe nhạc DSK, lại thấy nhớ, chút gì đó, giống với Van Gogh. Nhưng DSK có phần chống trả lại cái tôi, cái con người, cái xã hội, cái vận mệnh, cái nghiệp, cái đạo đầy đọa mình hơn là những người tận hưởng chúng như Van Gogh, cả 2 đều có nỗi buồn riêng, những cái đẹp riêng của nỗi buồn. Nên sự so sánh sẽ là khập khiễng, nhưng con người, ai cũng thế, họ sinh ra đã khóc, lớn lên bằng niềm đau thể xác của người mẹ, có chăng, như F. Scott Fitzgerald nói trong Gastby Vĩ Đại, “Nỗi buồn, là thứ duy nhất con người thực sự sở hữu. “
Nếu có những kẻ bảo họ không biết buồn, những kẻ sáng ra thức dậy, ngáp ngắn, ngáp dài, quấn tóc, chải son, với đôi tay to mọng, vén màn cửa sổ, nhưng chẳng chút bận tâm đến Nhật Nguyệt. Thì hãy mừng cho họ, chí ít ra khi vào cuộc chơi, họ không biết gì về chiến thắng, thì họ cũng chẳng mấy bận tâm về thất bại. Thậm chí, họ còn chưa từng thực sự vào cuộc chơi để chơi một cách đúng nghĩa. Hãy mừng cho họ.
Lại nói về Van Gogh. Ông buồn, vâng, tất cả đều biết ông buồn, những kẻ trọc phú mù chữ, tấm tắc khen, vui vẻ trả giá, và đẩy cái nỗi buồn ấy lên lơ lửng, trong khi người họa sĩ lại ở sâu dưới đất. Họ tấm tắc khen rằng, người họa sĩ đó vẽ thật đẹp. Nhưng mấy ai biết, không gì đẹp hơn nỗi buồn của ông.
Như Trịnh Công Sơn có từng đề 1 đoạn intro
Hãy đi đến tận cùng Tuyệt Vọng. Để thấy, Tuyệt Vọng, Cũng đẹp như một bông hoa

Có thể là hình ảnh về hoa

Chủ nhật – Tản Văn

Tôi thức dậy thật sớm, pha một ấm trà thật đặc. Tôi bê chiếc ghế tựa cùng vài quyển sách với cái điều cày ra ban công, Hút một bi thuốc lào dài, cháy lõ, đỏ nòng. Tôi mơ màng buông mình xuống ghế, đưa tầm mắt đi thật xa. Tôi buông mình xuống, ngắm nhìn mấy cành cây còn trơ lại, những thân cây gân guốc quá nửa đời, nằm trơ ra giữa cái lạnh gắt thấm vào vỏ, vào gốc vào rễ từng cây, chẳng ai biết được thời gian đã trôi bao lâu, cũng chẳng ai biết được sự sống đã trôi bao xa, mọi người chỉ biết là những thân cây già ấy vẫn sống, vẫn trơ ra giữa trời Hà Nội, dù chính nó và tất cả mọi người đều biết. Thời gian, ngọn lửa ngàn năm đốt cháy chúng ta từ bên trong.

Tree time

Anh tôi gõ cửa, phòng tôi không khóa cửa nhưng cũng không mở cửa bao giờ. Anh tôi cứ gõ cửa như thường lệ và tự mở cửa vào. Bê chiếc ghế nữa ra ngồi cạnh tôi. Anh lấy chiếc chén, tra đầy 2 ly trà, Cũng với cái điếu cày mà làm một bi dài. Ngã người xuống ghế và nhìn cùng tôi. Anh tôi vốn thế, ông không phải kiểu mộng mơ hay là thích mấy thứ âm trầm như tôi, nhưng ông rất hiểu lòng người, và ông cũng dễ đồng cảm với mọi thứ của mọi người. Có lẽ vậy nên tôi coi ông là một người cầm quân giỏi nhất tôi từng gặp. Ông không giống người khác, cố đưa họ theo mình, cũng không cố ép mình theo họ, ông cứ đi cùng họ, ngắm nhìn cùng những cảnh vật với họ mà hưởng thụ, mà lâng lâng theo cái thói đời thường, theo cái cách những đứa trẻ em nghe bà kể về câu chuyện cổ. Để rồi khi ông rời đi, làm những người được ngồi cùng ông xao xuyến, bâng khuâng một cách khó tả, những người đó biết, họ nhớ ông, nhưng họ không rõ, họ nhớ ông về chuyện gì, họ không rõ ông đã làm gì trong cuộc sống của họ, nhưng họ nhớ ông.
Chúng tôi ngồi như vậy khoảng 30 phút. Chẳng ai nói với ai. Tôi yêu những lúc như vậy hơn là những lúc, mọi người ngồi cạnh nhau, dù thân đến mấy cũng phải cố moi ra chuyện để mà nói, để mà kể. Dù việc đó thực tâm từ ý tốt của họ, nhưng tôi vẫn không thích, vậy thôi. Nếu không có chuyện gì mà vẫn muốn ngồi cùng nhau, chi bằng chúng ta đừng nói gì có được không.
Bỗng, trời đổ mưa ngâu, thời tiết mưa ngâu khi gần xuân thì vậy không hiếm, nhưng bỗng nhiên có cơm mưa vào ngày chủ nhật lặng gió này bỗng làm cuộc sống thêm thi vị. Khung cảnh thơ và buồn hết mức, có một đôi tình nhân đi dưới cây bàng già đối diện chỗ tôi. Tôi ngắm nhìn họ và tôi nhớ em. Những ngày lang thang của tuổi trẻ, tôi và em cũng ướt đẫm trong cơn mưa chiều Hà Nội.

-Đôi kia còn trẻ nên vui nhỉ.
Bỗng anh tôi nói, ông luôn như vậy. Ông không học gì về tâm lý hay một cách nào đó để biết người khác đang nghĩ gì, nhưng ông vẫn luôn biết người khác đang nghĩ gì, có lẽ đó là một bản năng của người đã từng qua quá nhiều chuyện trong đời

-Thú đau thương ấy thì vui vẻ gì anh.
Ông cười lớn, hay tay kê ở đùi, giọng đầy ương bướng.

– Em tôi vẫn còn nhớ Chi rồi. Nhớ làm Chi em ơi.
Ông cũng có kiểu chơi chữ thượng hạng.

Đâu, nhớ cái Chi Chi gì. Tự nhiên tết lại dịch, bao giờ anh về quê.
Tôi cố nói sang chuyện khác.

Anh không biết, có mấy anh em không về được quê, có khi anh ở đây với chúng nó.

-Mấy anh em ở Hải Dương với Quảng Ninh à

-Không, mấy ông ấy từ lúc mới có dịch đã về hết rồi. Mấy ông này còn nhỏ, bỏ nhà đi, giờ không dám về nhà.

-Anh bảo chúng nó về mà xin lỗi gia đình thôi.

– Anh bảo rồi, chúng nó chưa hiểu được, sau này chúng nó khác hiểu.

Tôi với anh còn ngồi thêm mấy tiếng nữa, mỗi người một góc, hết đôi ấm trà, tôi đọc nốt quyển sách, ông ngồi nghịch điện thoại. Qua một ngày chủ nhật, không có dự định nào hết.