BỰC QUÂN TỬ

BỰC QUÂN TỬ thời xưa, ở Á Đông đại khái có thể chia ra làm hai hạng người có hai lối nhân sinh, hai đường xử thế khác nhau rất rõ rệt.

Hai hạng người đó, mỗi hạng đều ôm ấp một tâm sự… Muốn tìm hiểu tâm sự của mỗi người, một quyển sách cả ngàn trang cũng không sao nói được hết ý. Thế mà nếu có thể tóm lại, người ta cũng có thể tóm lại trong một câu chuyện hết sức gọn gàng đầy đủ trong một trang sách nhỏ: Câu chuyện Khuất Nguyên và lão đánh cá. Đấy cũng là chỗ sở trường của người Á Đông vậy.

Khuất Nguyên làm quan cho vua Hoài Vương nước Sở, bị sàm báng mà bị phóng khí. Mặt mũi tiều tụy, hình dung khô héo, Khuất Nguyên vừa đi vừa hát ở bên bờ đầm.

Có ông lão đánh cá trông thấy hỏi:

– Ông có phải là Tam lư đại phu đó không? Sao mà đến nỗi khốn khổ như vậy?

Khuất Nguyên nói:

– Cả đời đục, một mình ta trong; cả đời say một mình ta tỉnh, bởi vậy ta mới bị phóng khí.

Ông lão đánh cá nói:

– Thánh nhân không câu nệ việc gì, lại hay tùy thời. Có phải đời đục cả, sao ông không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục theo một thể? Loài người say cả, sao ông không biết ăn cả men, húp cả bã cho say theo một thể? Việc gì mà phải phòng xa nghĩ sâu cho đến nỗi phải bị phóng khí?

Tâm sự của Khuất Nguyên đâu phải riêng gì của Khuất Nguyên, mà nó là tâm sự chung của phần đông nhân loại từ xưa đến nay vậy.

Cả đời đục, một mình ta trong,

Cả đời say, một mình ta tỉnh…

Lòng tự ái của ta xui ta bao giờ cũng tin tưởng như thế. Điều ta nghĩ luôn luôn đúng; việc ta làm luôn luôn phải. Không đúng, không phải, làm sao ta dám nghĩ, dám làm… Thằng bất nhân bất nghĩa nhất trong đời có bao giờ tin mình là bất nhân bất nghĩa đâu.

Dầu là một kẻ ngu… cũng vẫn tin việc mình là phải. Người xưa nói: Ta có thể đoạt ấn soái giữa chốn ba quân, nhưng không thể đoạt được dễ dàng cái chí của một kẻ thất phu. Câu nói này thật là một câu nói khám phá được cả tâm sự loài người.

Cái chết của Khuất Nguyên là cái chết dĩ nhiên… cái chết tỏ sự bất lực của mình không đủ uy thế để bắt buộc kẻ khác phải nghe theo mình, vì ai ai vẫn tin như mình:

Cả đời đục, một mình ta trong,

Cả đời say, một mình ta tỉnh…

và, bởi có đủ quyền bắt buộc kẻ khác phải nghe theo, nên lẽ dĩ nhiên họ phải sa thải mình, nếu mình không đồng ý kiến với họ… Đó là lẽ dĩ nhiên nó phải vậy: kẻ nào mạnh, thì thắng…

Trích cuốn “Thuật xử thế của người xưa” __ Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Lời bàn :

Mỗi người đều có một Tâm kết, đó là một vấn đề trong tâm tư của ta và dường như đó là trung tâm, mọi thứ khác trong ta đều đang xoay quanh đám rối đó. Càng ác cảm và tiêu cực với nó thì nó càng kết lại, lớn hơn và chi phối đời ta nhiều hơn, chặt chẽ hơn.

Làm thế nào với Tâm kết của mình ? Ta chỉ việc công nhận nó, không phải là đồng tình với nó, mà đơn giản là nhận thức sự tồn tại của nó, không ưu thích cũng không ghét bỏ.

Khi ta công nhận đặc tính riêng của mình, ta sẽ dần học hiểu được thế nào là công nhận.

Khi ta càng công nhận được Tâm kết của mình thì nội tâm ta càng vận hành tự nhiên, không kháng cự mà lại tự nhiên kháng cự. Như nhìn vào vòng tròn âm dương, thấy đen theo trắng hay là trắng theo đen ? Đen trắng theo nhau hay là đen trắng đang cố dời nhau ?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *