Chủ nhật – Tản Văn

Tôi thức dậy thật sớm, pha một ấm trà thật đặc. Tôi bê chiếc ghế tựa cùng vài quyển sách với cái điều cày ra ban công, Hút một bi thuốc lào dài, cháy lõ, đỏ nòng. Tôi mơ màng buông mình xuống ghế, đưa tầm mắt đi thật xa. Tôi buông mình xuống, ngắm nhìn mấy cành cây còn trơ lại, những thân cây gân guốc quá nửa đời, nằm trơ ra giữa cái lạnh gắt thấm vào vỏ, vào gốc vào rễ từng cây, chẳng ai biết được thời gian đã trôi bao lâu, cũng chẳng ai biết được sự sống đã trôi bao xa, mọi người chỉ biết là những thân cây già ấy vẫn sống, vẫn trơ ra giữa trời Hà Nội, dù chính nó và tất cả mọi người đều biết. Thời gian, ngọn lửa ngàn năm đốt cháy chúng ta từ bên trong.

Tree time

Anh tôi gõ cửa, phòng tôi không khóa cửa nhưng cũng không mở cửa bao giờ. Anh tôi cứ gõ cửa như thường lệ và tự mở cửa vào. Bê chiếc ghế nữa ra ngồi cạnh tôi. Anh lấy chiếc chén, tra đầy 2 ly trà, Cũng với cái điếu cày mà làm một bi dài. Ngã người xuống ghế và nhìn cùng tôi. Anh tôi vốn thế, ông không phải kiểu mộng mơ hay là thích mấy thứ âm trầm như tôi, nhưng ông rất hiểu lòng người, và ông cũng dễ đồng cảm với mọi thứ của mọi người. Có lẽ vậy nên tôi coi ông là một người cầm quân giỏi nhất tôi từng gặp. Ông không giống người khác, cố đưa họ theo mình, cũng không cố ép mình theo họ, ông cứ đi cùng họ, ngắm nhìn cùng những cảnh vật với họ mà hưởng thụ, mà lâng lâng theo cái thói đời thường, theo cái cách những đứa trẻ em nghe bà kể về câu chuyện cổ. Để rồi khi ông rời đi, làm những người được ngồi cùng ông xao xuyến, bâng khuâng một cách khó tả, những người đó biết, họ nhớ ông, nhưng họ không rõ, họ nhớ ông về chuyện gì, họ không rõ ông đã làm gì trong cuộc sống của họ, nhưng họ nhớ ông.
Chúng tôi ngồi như vậy khoảng 30 phút. Chẳng ai nói với ai. Tôi yêu những lúc như vậy hơn là những lúc, mọi người ngồi cạnh nhau, dù thân đến mấy cũng phải cố moi ra chuyện để mà nói, để mà kể. Dù việc đó thực tâm từ ý tốt của họ, nhưng tôi vẫn không thích, vậy thôi. Nếu không có chuyện gì mà vẫn muốn ngồi cùng nhau, chi bằng chúng ta đừng nói gì có được không.
Bỗng, trời đổ mưa ngâu, thời tiết mưa ngâu khi gần xuân thì vậy không hiếm, nhưng bỗng nhiên có cơm mưa vào ngày chủ nhật lặng gió này bỗng làm cuộc sống thêm thi vị. Khung cảnh thơ và buồn hết mức, có một đôi tình nhân đi dưới cây bàng già đối diện chỗ tôi. Tôi ngắm nhìn họ và tôi nhớ em. Những ngày lang thang của tuổi trẻ, tôi và em cũng ướt đẫm trong cơn mưa chiều Hà Nội.

-Đôi kia còn trẻ nên vui nhỉ.
Bỗng anh tôi nói, ông luôn như vậy. Ông không học gì về tâm lý hay một cách nào đó để biết người khác đang nghĩ gì, nhưng ông vẫn luôn biết người khác đang nghĩ gì, có lẽ đó là một bản năng của người đã từng qua quá nhiều chuyện trong đời

-Thú đau thương ấy thì vui vẻ gì anh.
Ông cười lớn, hay tay kê ở đùi, giọng đầy ương bướng.

– Em tôi vẫn còn nhớ Chi rồi. Nhớ làm Chi em ơi.
Ông cũng có kiểu chơi chữ thượng hạng.

Đâu, nhớ cái Chi Chi gì. Tự nhiên tết lại dịch, bao giờ anh về quê.
Tôi cố nói sang chuyện khác.

Anh không biết, có mấy anh em không về được quê, có khi anh ở đây với chúng nó.

-Mấy anh em ở Hải Dương với Quảng Ninh à

-Không, mấy ông ấy từ lúc mới có dịch đã về hết rồi. Mấy ông này còn nhỏ, bỏ nhà đi, giờ không dám về nhà.

-Anh bảo chúng nó về mà xin lỗi gia đình thôi.

– Anh bảo rồi, chúng nó chưa hiểu được, sau này chúng nó khác hiểu.

Tôi với anh còn ngồi thêm mấy tiếng nữa, mỗi người một góc, hết đôi ấm trà, tôi đọc nốt quyển sách, ông ngồi nghịch điện thoại. Qua một ngày chủ nhật, không có dự định nào hết.

Di chúc của Bác về việc sau khi “Mất” đi

Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là hỏa táng. Tôi mong rằng cách hỏa táng sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì điện táng càng tốt hơn.

Tro thì chia làm ba phần, bỏ vào ba hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.

Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.

di chúc của bác- bản chụp
Bản chụp

Nên có kế hoach trồng cây trên và chung quanh đồi Ai đến thăm thì trổng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão

TRẦN TIẾN & TRỊNH CÔNG SƠN

“Hắn vừa nhập cư Sài Thành, trạc tuổi băm, còn thích điệu đàng lập dị. Áo ngâm vỏ cây người thiểu số, tóc tai hippi, ngược ưỡn, vai khuỳnh. Mở miệng là đại ngôn, bị đồng nghiệp Nam ghét, tẩy chay, cả năm trời không ai mời đi diễn, đói chết mẹ.”

Người duy nhất mở rộng vòng tay với “hắn” chính là Trịnh Công Sơn. Hôm ấy, Trần Tiến tháp tùng Phạm Tiến Duật lần đầu đến nhà Trịnh Công Sơn. Vừa gặp hai người, Trịnh Công Sơn lấy rượu ra mời ngay. Trần Tiến kể:

“Anh mời bọn tôi vài ly là tôi đã say và buồn ngủ. Lính ở trong rừng mà, lấy đâu ra rượu. Anh dìu tôi lên phòng và vặn nhạc của anh cho tôi nghe. Tôi ngủ một mạch. Thấy tiếng nhạc suốt đêm, tưởng tôi nghe hết. Sáng sau anh hỏi: “Có thích bài nào không?”. Tôi nói: “Anh có cái máy nghe nhạc tân kỳ quá, em chẳng biết tắt bằng cái nút nào”. Anh cười thật hiền”.

Rồi Trịnh Công Sơn mời Trần Tiến ở lại ngay trong nhà mình. Trong mắt Trịnh Công Sơn, một vị doanh nhân và một người đạp xích lô có giá trị như nhau, vì ông nhìn vào tâm hồn của họ. Và vì thấy tâm hồn của Trần Tiến nên xem “hắn” như người trong nhà, tới bữa mời xuống ăn cơm như anh em ruột. Rồi cái máu giang hổ thảo mãng nổi lên, Trần Tiến ái ngại bỏ ra công viên Văn Lang ngủ bụi. Trịnh Công Sơn mới sai em ruột là Trịnh Xuân Tịnh đi ra thỉnh về, rồi nói giọng buồn bã: “Tiến không chịu hàm ơn cuộc đời, thì làm sao biết trả ơn người”.

Trần Tiến – Trịnh Công Sơn – Bức ảnh hiếm hoi

Trần Tiến kể: có một dạo khi còn trẻ, ông ôm mộng phải viết cho được những đại tác phẩm Nhưng trong một lá thư tay, Trịnh Công Sơn viết: “Tiến à, mình không nghĩ rằng một bản giao hưởng tồi lại có thể ví được với một câu hò hay”. Tới đây, ta có thể hiểu âm hưởng dân gian xuyên suốt các tác phẩm của Trần Tiến từ đâu mà ra.

Để có thể mang “câu hò hay” vào mọi tác phẩm của mình, Trần Tiến tất nhiên phải có một óc quan sát thật tinh tế. Ông không đứng ngoài, mà lao vào sống, phải sống và thấu cảm đến đâu mới hiểu được “hồn người raglai”, mới nhìn thấy nỗi đau và niềm vui song hành theo những “vết chân tròn trên cát”, mới vui được khi nhìn “đàn chim Chơ rao bay qua bay qua dưới bầu trời”.

Ông mang sự tinh tế ấy từ âm nhạc vào trong văn học, thứ văn thô mộc nhưng đẹp tuyệt vời. Ông viết: “Không phải cứ cây, cứ chim là mùa xuân. Cây mận nhà anh Sơn (Trịnh Công Sơn) bởi cụ nhà khuất xa nên buồn mà chết. Con chim yến mất bạn tình, cô đơn mà đâm đầu từ núi cao xuống vực”.

Sài Gòn trong Trần Tiến chính là Trịnh Công Sơn vậy. Trần Tiến tả người anh lớn của mình: “Người ốm nhưng bước chân khoan thai, quý tộc, vai gầy nhưng ngực vươn ra như kiếm khách, nghe ai kể chuyện gì cũng “Tội rứa, chi mà tội rứa…” Đó là người “bảnh mắt ra đã gọi mình uống rượu, buồn như gã thủy thủ cuối chân trời”.

Thời gian “ở trọ” nhà Trịnh Công Sơn, Trần Tiến liên tục được bơm rất nhiều cảm hứng sáng tác. Ông viết:

“Kẻ hay chữ, một ngày không đọc sách, cái mặt trong đần đần ngu ngu.

Kẻ hay làm, một ngày không có việc, cái người trông bần thần muốn bệnh.

Chả thế vớ được người hay chữ như anh Hoàng Thiệu Khang mới ở bắc vào, anh Sơn vui lắm. Uống rượu, luận triết, nói cười rổn rảng suốt ngày trên cái vườn treo ở nhà. Nhớ một buổi chiều, ba anh em đang khề khà, bỗng có một em Nhật gõ cửa, xin được hỏi anh về triết phương đông. Em lại còn can tội… xinh nữa. Thế là chàng bỏ hai anh em tôi, líu ríu với người đẹp cả tiếng.

Chờ lâu quá, lại thông cảm với ông anh chưa vợ, tôi ra chào, xin phép về. Đi qua nàng, tự nhiên tôi hát:

“Âm dương nằm ngang, ngũ hành nằm dọc.

Em chưa biết đọc, em nằm nghiêng…”

TCS liền chen vào “Hay, hay. Toa mới bịa à, tiếp đi, tiếp đi.” Nói đoạn quay sang em gái xứ Phù Tang, khoe: “Đấy, đấy, âm nhạc phương đông đấy”.

Bấy giờ chàng mới sực tỉnh ra, xin lỗi vì đã quên bọn tôi. Từ hôm ấy, sáng nào cũng gọi sang uống rượu để được nghe những khúc sau. Nhờ gặp tri âm kích động, tôi viết thêm mấy chục bài nữa rồi tịt ngòi.”

Trước khi qua thế giới bên kia, Trịnh Công còn kịp dúi cho Bảo Phúc ít tiền, dặn thu thanh chùm ngẫu hứng cho Tiến, vì hắn “tội dễ sợ”. Tình bạn văn nghệ sĩ ngày xưa, sao mà đáng yêu đến thế.

Cũng như Trịnh Công Sơn, thời trẻ Trần Tiến chủ yếu… hát free. Người ta gọi ông là nghệ sĩ du ca. Mãi đến mấy năm trước, Trần Tiến mới lọ mọ lên Google gõ xem “Du ca là gì”. Đọc một đống kết quả xong cũng… ù ù cạc cạc. Chỉ biết đại loại là đi hát lang thang, không bán vé, không sân khấu, không ánh đèn và… không tiền. Tiền, nếu có, cũng dùng vào mục đích thiện nguyện.

Truyện về Lão Phong

Lão tên Nguyễn Đình Phong, lão hơn mình hàng chục tuổi. Sau tên lão, đời gắn cho những biệt hiệu như “già”, “gàn”, “cô sỹ”, “chập”… Nhà mình với nhà lão gần nhau.

Tính lão đại luộm thuộm. Nhà to không ở, lão dọn ra gian để xe, làm cái gác xép bốn mét vuông như chòi chim, cho tự do. Cái chòi này chẳng bao giờ khóa, bạn bè ai đến cứ việc tùy tiện leo lên tụ bạ hoặc ngủ, kể cả chủ nhân không có nhà.

ảnh cho Truyện
Ảnh đẹp cho truyện khác chứ chẳng liên quan gì

Lão là người tốt tính, chị em phụ nữ nhiều người quí lão, nhưng không yêu. Đến thăm chỗ lão ở, khi về họ bảo: “Nghiêng 23 độ 5”. Chẳng hiểu nói chòi hay nói chủ!

Năm 34 tuổi, lão nói với mình “Đời tao 34 năm rồi, chưa một lần được nắm tay người con gái nào!”, nghe giọng lão rất thương.

Năm 35 tuổi, lão nói với mình “Đời tao 35 năm rồi, chưa một lần được nắm tay người con gái nào!”, nghe giọng lão cực kì thương.

Năm 36 tuổi, lão nói với mình “36 năm rồi nhé, đéo một đứa con gái nào được phép động vào tay tao!”. Lúc nói câu này giọng lão cực kì hợm hĩnh.

Giống bên trên – chỉ để minh họa cho Truyện

Lão là loại lắm lý sự, lại thích uống bia và không thù dai. Mọi bàn nhậu có lão đều vui, vì có người để cãi vặt. Mình và lão hay cà kê hàng bia, chuyện thế thái nhân tình đến nắm xôi cái kiến đều có thể gom, ném vào nồi lẩu cho ngọt nước. Mình mà nói, lợn kêu eng éc, lão sẽ bảo lợn kêu ụt ịt. Nhưng lần nào đó, mình bảo lợn kêu ụt ịt, lão tức thì quay ngoắt chứng minh rằng lợn kêu eng éc. Mặc kệ lúc trước vừa khản cổ kêu mình kém thẩm âm, chẳng hiểu gì về lợn.

Cuộc đấu mồm của cả hai cứ lủn mủn liên miên. Cũng có lúc cãi nhau to. Hôm sau tỉnh, lại gặp nhau làm hòa. Lão bảo mình: “Cái kiểu uống bia của tao với mày nó không hề tầm thường, mà là hình thức thể dục cho trí óc, có cãi nhau thế nơron thần kinh mới hoạt, mới chống được bệnh đần!!!”.

Nhiều bận trên chòi chim, mình với lão mua bia về, khoát luận cao đàm. Có con chó nhà hàng xóm chạy sang nằm chồm hỗm dưới chân cầu thang dự khán. Những bận nôn, chó thè lưỡi dọn. Lòng dạ ai ngọt, ai cay, ai trắng, ai nhờ nhờ… nó biết. Chó bỗng thành tri âm!

Một lần cũng đang uống bia, mình tự nhiên cảm thán:

– Ở đời này mà nghèo thì dễ hèn lắm anh ạ!

Lão khi đó chưa vợ, nhiệt huyết văn chương như dòng nham. Lão hùng hồn:

– Phong này dẫu nghèo, nhưng xin hứa, nếu đời không cho Phong nhìn lên, Phong cũng sẽ nhìn thẳng,… chứ quyết không nhìn xuống!

Thế là mình với lão lại có đề tài để cãi nhau và tu bia. Con chó nghe, rồi chả biết có phải chối quá không mà nó nguẩy nguẩy đít bỏ đi, để lại bãi cứt. Nửa can bia đã cạn, mà mình với lão cãi nhau vẫn đang hăng, lão liền đi mua bia tiếp. Lát sau mình nghe lão đứng dưới chòi rống lên chửi con chó hôm nay chơi khăm chơi bẩn, ỉa ngay chân cầu thang, làm lão dẫm phải. Mình bảo:

– Tại anh cứ nhìn thẳng với nhìn lên, chứ đéo nhìn xuống, nên mới thế!

Lão tự nhiên nghền nghệt mặt, rồi bảo:

– Thằng này nói câu này sâu!

Lâu lắm mới nghe lão tán đồng với mình một câu, mặt mình đâm cũng nghền nghệt theo, vì lạ và cảm động!

Năm 37 tuổi, lão đi chụp ảnh đám cưới. Lúc lão vào bếp, có một nàng đổ ụp chậu nước rửa bát thừa, làm cái quần của lão ướt sũng từ chân đến đầu gối. Cô nàng vội vàng vừa phủi cặn thức ăn dính trên quần lão, vừa lí nhí xin lỗi. Thấy lão cứ đứng sừng sững không nói không rằng, nàng đâm hoảng. Nàng đâu ngờ: lão đã yêu!

Khi về nhà lão kể với mình: “37 năm nay lần đầu tiên tao được một người con gái cầm chân mày ạ!”

Lão rủ mình đến nhà nàng. Từ đầu buổi tới cuối buổi lão chỉ ngồi cười hề hề, thế mà nàng đổ. Một tháng sau, lão với nàng lấy nhau. Hôm cưới, mình hỏi lão: “Anh có bùa bả gì không mà tại sao cứ ngồi cười như thằng dở hơi, mà gái vẫn đổ thế?”. Lão bĩu môi: “Anh mày tích nội công 37 năm chỉ để ra một đòn, cao siêu lắm, trình như mày đéo thể hiểu được!”

Vợ lão đẻ sòn sòn ba năm hai đứa, gái trước trai sau. Lão gọi hai đứa con là “kiệt tác của đời”. Giờ thì đi đâu lão cũng chỉ chăm chăm nhìn xuống, sao cho hai “kiệt tác của đời” đừng ngã, đừng dẫm cứt…

Vài lần gặp lão mình cũng có nhắc chuyện văn chương, lão nghe vài câu rồi bảo:

– Nói với cái đít tao đây này!

 (- Những chiều hè nóng bức nghe chuyện mà tí sặc. Đã lâu không thấy ai kể chuyện hấp dẫn và mạch lạc pha pha chút điên điên như ông này. Mình dí ông ấy cái điếu cày, ông ấy vừa cười vừa hút, sặc thuốc lào. Ông cười bảo phổi to tức lòng rộng, lòng rộng là nhanh đói, nhanh đói thì dễ thèm lẩu.
 Thế là 2 ông vác xác đi ăn lẩu, ăn lẩu 1 hồi ông kể, ngày xưa anh yêu cái món thịt chó, nay cưới nó vào thì anh ghét nó nên anh ăn nhiều hơn. ) 

Mashenka của Nabokov

Đọc lại Mashenka của Nabokov, tự dưng nhìn thấy tác phẩm dưới một góc khác.

Chắc ai đọc nó lần đầu cũng ngạc nhiên với sự thay đổi của Ganin khi ra ga đón Mashenka, người yêu cũ: sau khi đã làm xong mọi việc chuẩn bị, thậm chí chuốc rượu rồi cài lại đồng hồ để cho tình nhân của Mashenka không tỉnh giấc đúng lúc để ra ga được, thì Ganin lại đi qua một nhà ga khác và lên tàu đi về phía khác.

kinopoisk.ru

Trong cuốn phim cùng tên, dựng theo tác phẩm này, đạo diễn còn cho Ganin đi ra đúng nhà ga mà Mashenka sẽ đến, rồi hai người đi lướt qua nhau. Cô gái hơi khựng lại như thể có nhận ra Ganin, nhưng Ganin đi thẳng.

Lúc dịch xong, tôi nghĩ sự thay đổi tâm lý đó diễn ra khi Ganin ngồi nhìn những người thợ lợp ngói nhà, nhưng lần đọc lại này chợt thấy bức tranh từ một góc khác.

Đó là vì Ganin bị giam hãm, nói đúng hơn là tự giam hãm, quá lâu trong một tòa nhà cùng các đồng hương của mình (cũng là một ẩn dụ về nước Nga), anh cứ loanh quanh không thoát ra nổi cái ký ức mà Mashenka là một phần trong đó. Có lẽ do thói quen, có lẽ do sợ hãi, có lẽ do cô đơn, nên anh vẫn bấu víu vào một góc nước Nga đã mất, để tìm chút hơi ấm an toàn nơi đất khách quê người?

Đến khi anh đủ dũng cảm đứng dậy, dọn sạch đồ đạc, xách va ly đi hẳn ra khỏi ngôi nhà ấy, xa rời những người cùng quê để bước vào cuộc sống mới, thì anh chợt nhận ra là ngay cả Mashenka cũng chỉ là một phần ký ức mà anh nên quên đi.

Và thế là… anh đi thẳng, không đón cô gái mà anh đã nghĩ rằng anh sẽ yêu suốt đời.

Có lẽ đó cũng lại là một ẩn dụ của Nabokov về việc ông phải thoát được các ký ức về nước Nga, để sống tiếp.

Mặc dù thực tế thì ông cũng chẳng thoát nổi, vì vợ ông cũng lại là một người Nga, gốc Do Thái. Và nước Nga ở sâu trong tim Nabokov đễn nỗi ông không bao giờ mua ngôi nhà nào trong cả đời mình.

Ngay cả chính cuốn Mashenka cũng là một ẩn dụ về ký ức nước Nga của Nabokov. Viết xong cuốn sách, Nabokov cũng đã làm như Ganin: Bỏ hết vốn liếng vào một chiếc vé tàu đi về nơi vô định.

NĂM MƯƠI NGÀN CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐỒNG NÁT

Phố nghèo, chiều mưa buồn lê thê. Có vài tiếng rao vọng lại, tiếng trẻ con khóc, tiếng 2 bà mẹ trẻ chửi mắng nhau, tiếng ồn từ một quán nhậu rẻ tiền….Và cả tiếng kêu ken két từ cái bàn đạp đã gãy một bên của chị. Chị đạp đi thế mà lòng vui lạ. Đơn giản thôi, vì qua một chiều mưa lao lực và hi vọng, túi chị đã có 50 ngàn. Vừa đạp xe, thỉnh thoảng chị lại sờ vào túi của chiếc áo bạc màu, thẫm đen vì mưa và mồ hôi, ở đó có 50 ngàn. Ở đó có tình yêu thương của chị.

Tiểu sử của chị cũng ít ỏi, như số tiền trong túi áo chị vậy. Một khổ nữ bới rác kiếm cơm. Không chồng, không nhà, không niềm vui thường trực. Có một đứa con 6 tuổi. Có một niềm hi vọng chơi riết trò ú tim. Thực ra thì lúc có đồng vốn ít ỏi trong tay, chị là bà buôn ve chai, nhưng như lúc này thì…Nửa tháng nay, cả 2 mẹ con chị bệnh. Mà mẹ con chị vẫn thường bệnh như thế. Làm ra được đồng nào là lại ngấm hết cả vào thuốc men. Chị chạy vạy trong xóm trọ nghèo để mượn tiền thuốc thang, cơm nước qua ngày. Chị vừa là người bệnh, vừa là con bệnh, vừa là kẻ nuôi bệnh tận tình. Hàng xóm chị là những “người nghèo tốt bụng có hạn”. Thế nên, sau vài bát cơm, miếng cháo ban đầu rồi họ cũng phải bỏ rơi mẹ con chị. Họ còn có cuộc sống của mình. Họ lực bất tòng tâm. Xóm trọ nghèo bên sông Sài Gòn hoang hải ấy buồn liên miên.

Như những khúc tình ca của Ngô Thụy Miên cứ réo vang mỗi chiều mưa ở phòng của lão chủ trọ già – cô độc.

Đã hai ngày nay, mẹ con chị chỉ húp mớ cháo lỏng bỏng từ bát gạo mà bà già bán vé số hàng xóm cho. Chị biết bà cũng không có gạo mà ăn, và mặc dù đã cho mẹ con chị rất nhiều. Nhưng đành nhắm mắt ngửa tay, như cho sự sống mình một cơ hội chuộc lỗi vậy. Để đến sáng nay, chị đứng dậy. Như cây chuối ở quê chị năm xưa bị bão xô nghiêng rồi tự đứng dậy.

Thế thôi. Phố những ngày vắng chị, hình như “rác quý giá” cũng nhiều lên. Chỉ vài vòng đạp xe, vài lần “khứu giác yếu đuối và đói” của chị phải chịu mùi xú uế từ những thùng rác uống căng tràn thời gian và nước mưa: Chị có 50 ngàn.“Con muốn ăn gì nào con trai?”, trong cái phòng trọ chỉ đủ để nằm-ngồi, để biến chị và con trai thành “người thành phố” ấy.

Sáng nay, chị đã xoa lên cái đầu cả tuần không gội của nó mà hỏi thế.“Má, nhỏ thôi, một cái đùi gà nhé má. Con hứa, con sẽ khỏe liền, he he. Rồi con lại đi bán vé số như thường. Con lại mua mì vằn thắn cho má ”. Thằng quỷ. Đúng là chị thích món mì đó. Hễ khi nào bán “cháy hàng”, là nó lại mua cho mẹ một tô, coi là “quà”. Nó 6 tuổi. Chị muốn nuốt chửng nó vào trong người ấy chứ, để vĩnh viễn chẳng gì có thể đụng chạm đến nó. Đứa con thân yêu-người thân vô nhị trên cõi đời của chị. Thế mà chị không làm được. Không thể nào.“Nhất trí thưa ngài. Đảm bảo sẽ có một em đùi gà chiên giòn bóng mỡ về cho ngài”. Người đàn bà “khổ hạnh vui tính” cười với con. Nhìn đứa con gầy còm, nhợt nhạt chị tủi hổ vô vàn.__Tiếng ken két của chiếc xe đạp lướt qua những vũng nước mưa nhẹ tênh. Chị chẳng thấy đói gì cả. Dù lúc trưa chỉ uống nước, và ăn mớ xôi hôm qua lão chủ làm cổ cúng người vợ quá cố, lúc sáng lão mới mang cho.

“Này, bác Tám, bác sao thế này. Lâu nay bác ở đâu. Trời ơi, mọi người trông bác mãi, sao thế này bác ơi”.

Là lão Tám Ròm. Làm nghề vá xe đạp, hồi trước ở cùng xóm trọ. Sau lão đi kiếm thằng con trai bị tâm thần bỏ lão đi từ lâu vì nghe tin nó bạt tận Chợ Lớn. Thế mà giờ thì lão đang thoi thóp trên tấm ván đầy mỡ heo của đám tỷ lô chợ sáng.

“Đói….đói….”.

Lão thều thào, mắt nhắm ghiền như ngủ.

“Bác đợi cháu, nằm đây nhé”.

Chị chạy vào tiệm tạp hóa gần đó. Mua cho lão một bịch sữa, một cái bánh mỳ. Có bao nhiêu đâu, chỉ hết 10 ngàn, chị nhẫm tính rồi. Còn 40 ngàn mà lo gì. Bác đói chẳng lẽ mình bỏ đi, trước đây bác tốt với mình…

“Này con kia….à bảo là không có tiền trả bà mà đi mua đồ kinh nhể…”

Mụ Năm Vàng.

“Tao không tự lấy thì chắc kiếp sau mày trả quá, đưa đây, có bao nhiêu đưa hết đây, 1 đồng bà cũng lấy”.

Mụ giật lấy 2 tờ 2 chục trên tay chị. Chị giằng lại.

“Bác ơi, em xin bác. Rồi em đi làm em gửi bác. Con em đang ốm….em xin bác…bác ơi…”

Mụ Năm béo quá, chị thì gầy quá.Tay chị lại ướt nữa, 2 tờ tiền cứ thế tuột ra. Chị cứ đứng đờ người ra đó mà chẳng biết làm gì, khuôn mặt chị-khuôn mặc khắc khổ không còn đủ chỗ cho nỗi thất vọng nữa rồi. Và mụ Năm cũng đã mất hút đầu hẻm. Mà không quên cảnh cáo chị và chỉ thằng nô sai đi theo:

“Còn thiếu 4 trăm 6. Cho mày một tuần, bà sẽ đến hỏi chuyện. Mày, lấy luôn chiếc xe đạp của nó cho tao”.

Chao ôi. Có đâm có chém, có nợ trăm triệu vạn triệu chị cũng chịu được, cũng cặm cụi làm cho đến cùng đời bến kiếp để mà trả nợ. Mà sao giờ mất bốn chục, chị cảm thấy như rụng hết cả 2 bàn tay, ruột đứt từng khúc mất rồi. Mụ Năm…. cũng phải thôi, gia đình mụ cũng vừa tan nát vì lão chồng tặc cờ bạc. Chị nuốt nước mắt, chị chẳng còn thấy mặn gì cả. Vì đã tê buốt hết cả người rồi. Con trai chị. Nó đang nằm đó, nó ngoái cổ nghiêng tai để nghe tiếng xe của mẹ nó về. Nó nghĩ đến cái đùi gà, nghĩ đến mẹ nó, nghĩ đến những ý nghĩ nhỏ bé về cuộc đời bé nhỏ của nó. Chị nghĩ thế, trong đầu chị ngập đầy hình ảnh con trai. Chị toan bước đi thì dẫm lên bịch sữa hồi nãy chị và mụ Năm giằng co nhau làm rơi. Hay là chị mang bịch sữa và bánh mỳ về cho nó. Còn lão già kia có là gì của mình đâu, đúng rồi, cuộc đời mà. Cái gì từ máu từ thịt mình thì mình mới đau, phải không. Phải, chẳng có gì lớn hơn được tình mẹ con cả. Cũng như mấy ngày trước, chị cố lê lết ra phố chợ này thiếu nợ. Mà…có được đâu. Làm sao mà được. Đừng hòng che đậy, đừng hòng rủ rê, lôi kéo chị – những thứ tình cảm xa vời nhợt nhạt và hời hợt kia. Chị gạt nước mắt. Bước đi. Chị ôm khư khư bịch bánh và sữa, hít thật sâu, hai mắt chị căng ra để đón sự vô cảm ùa vào. Chị đi về phía lão Tám, nhưng chị sẽ bước qua lão. Nhất định

.“Đói…..sao mà lâu về thế cô Hai ơi, cô bỏ tôi luôn sao, ai cũng bỏ thằng già này luôn sao”.

Lão Tám vừa nằm vừa rên rỉ. Y như lão biết hết chuyện xảy ra ở tạp hóa vậy, y như lão đang đâm dao vào lòng chị vậy.

“Triệu người quen có mấy người thân. Khi lìa trần có mấy người thương”.

Trời ơi lão còn hát. Chắc không tìm thấy con lão cũng bị điên luôn rồi. Chị đã qua bước qua lão 2 bước chân. Nhưng đến đó thôi, nó như dính chặt xuống đất mất rồi.

“Này, dậy đi, dậy đi…dậy ăn đi này ông già…chết tiệt.”

Chị bỏ cả 2 thứ mà chị ôm khư khư xuống tấm phản. Lão Tám không ngồi dậy. Lão cứ nằm thế, mắt cứ nhắm thế và quờ tay vơ lấy chiếc bánh mỳ nhai lấy nhai để, lão cắn bịch sữa, lão uống mà sữa chảy cả ra cổ, ra tấm phản trắng xóa.Chị nhìn lão Tám, rồi khóc, rồi bỏ chạy. Chị không biết mình chạy vì cái gì. Trời vẫn lùn phùn mưa. Mà đời đâu có đau lùn phùn vào lúc này nữa. Ôi chao ôi ! Tình thương đối với chị sao mà nó xa xỉ quá thế này, xa xỉ như tờ 50 ngàn ít ỏi của cuộc đời kia.Chị không biết tại sao mình lại đứng tần ngần trước quán gà nướng từ khi nào. Mà cũng đúng thôi. Vấn đề lớn nhất của chị bây giờ không phải là đói khổ, là cơ cực, là lẻ loi, bạc bẽo ở đời sống này. Mà là niềm trông ngóng của thằng con trai chị. Nó là tất cả…là tất cả…

“Chị …..bán cho em…một …đùi…”

“À…con Hai…gớm nhỉ hôm nay có tiền ăn đùi gà cơ đấy….cấm nợ nghe chưa….đầu tháng không nợ nọt gì đâu á….”

“Chị yên t….tâm đi, lấy cái nào to nhất ấy…”

Chị dấu nét tội nghiệp, khắc khổ, cái sầu sầu trong mắt lúc trước thật tài. Điều gì khiến chị cố gắng đến mức đó, ngoài tình mẫu tử đây.

“Ờ…cái con kia, tiền tao đâu, à…á…ăn cướp hả….bớ làng nước ơi, ăn cướp…ăn cướp….Chó má…mày đứng lại cho bà….”

Chị chạy, hình như với chị chỉ có chạy mới thoát khỏi mớ khổ đời.Chị nghĩ rồi, bà Tư béo bán chỉ có một mình, mà lại già cả nữa chắc chẳng đuổi theo chị đâu. Với lại bà ta cũng tốt bụng. Nhưng mà chị chạy ở phố chợ này thì như chạy vào đường cụt, vì ai chả biết chị. Có lẽ chị đã mụ mị mất rồi. Lần đầu tiên đi làm cái việc mà thiên hạ gọi là ăn cướp. Chị mụ mị rồi, không bàn cãi nữa.Có những lúc con người ta tự cho mình mụ mị, vì họ đã lỡ bước chân lên con đường cụt, mà mắt họ chẳng nhìn thấy một lối ra nào hết cả. Thật thương thay, thương thay cho chị. Không ai đuổi theo. Chị vẫn cầm khư khư đùi gà, vừa ngoái đầu lại vừa chạy. Chị chạy rất nhanh. Giá mà cuộc đời cứ chạy như thế, sẽ thoát được đói khổ cơ cực thì có phải hay không. Nhưng không thể. Cuộc đời đâu chỉ chạy là thoát, là rời xa được đâu.Chị chạy ở mé đường, chạy rất nhanh, trên những nắp cống cũ kỹ. Có một cái nắp đã bị ai đó dỡ lên. Chị không nhìn thấy, chân chị lọt thõm xuống đó.

“Bụp”

Đầu chị va vào nắp cống. Cả thân hình chị như cái bóng bay dài của đám trẻ bị xì hơi.

“á…ôi…”.

Người ta chỉ nghe có thế. Rồi người ta thấy máu me tràn ra tan vào cả vũng nước tù đọng nơi cái mương nhỏ của của góc chợ tồi tàn.Đám dân nhậu ở cái quán rẻ tiền bỏ bàn đứng dậy, chạy ra…….Có kẻ say vừa chạy vừa chửi “mẹ kiếp nó”…..—

-“Năm, sao má con lâu về vậy, ôi đùi gà ngon quá đi mất. Năm ăn một miếng đi này. …Khiếp, má cho con tới 50 ngàn cơ đấy. Mà Năm gặp má con ở đâu, làm chi mà làm hoài, con không cần nhiều thế này đâu, con cần má ở đây à. …..Ngày mai nè, con khỏe, con sẽ dùng 50 ngàn này mua cho má một tô vằn thắn to thiệt là to….he he con mua cho Năm nữa chứ…”..

Thằng nhỏ con chị, vừa nhai đùi gà vừa thủ thỉ với bà Năm vé số. Bốn giờ sáng, bà mới kịp mang cái đùi gà và 50 ngàn qua cho thằng nhỏ,

“này Tý, quà của má mày nè, bả chưa về, đang đi mớ hàng mấy ngày lận, của một công ty giải thể tận Bình Chánh đó con. Mày biết Bình Chánh ở đâu không, có khỉ. Nó xa lắm”.

Bà thức nó dậy, hồi chiều qua nó đã được bà cho húp mớ cháo lõng bỏng khi đợi mãi mà chẳng thấy mẹ nó về. Bà sợ nó đói. Ôi 50 ngàn và cái đùi gà kia có….ôi…cuộc đời…., bà nghĩ, ý nghĩ của bà đứt quảng….hình như bà muốn khóc.

“Ăn đi con, ăn đi, Năm già rồi không có răng. Mày ăn đi còn nhanh lớn nữa. Nhanh lớn nữa mày hiểu không?”.

Căn phòng xập xệ, ánh điện cũng xập xệ, đôi mắt ngái ngủ của thằng nhỏ không thể nhìn thấy được đôi mắt bà Năm già đang nhuốm lệ, lòng bà đang quặn đau…..

Chị trở về. Người chị nhức mỏi ghê gớm. Trời sáng sớm, phố nghèo đã lục đục âm thanh. Đó là cái âm thanh “đi trước cuộc đời” để kiếm miếng cơm. Lão Sáu bán xổ số, bà Ba đồng nát, Bà Hân hủ tiếu…..nhiều lắm. Mới có 4 giờ sáng họ đã lục đục dậy chuẩn bị, thế mà vui, thế mà họ và chị đã sống qua bao năm tháng như một điệp khúc đời người. Mà điệp khúc thì cứ lặp đi lặp lại, chứ có gì khác đâu.Chẳng ai thấy chị, chị cũng chẳng chào ai. Chỉ lo đi nhanh để về với thằng nhỏ.Tay chị vẫn cầm khư khư chiếc đùi gà đã nhuốm máu, ăn nhằm gì, về chị rửa lại, chị luộc lại. Rồi sang lão chủ nhà năn nỉ lão một ít mỡ hành về xối lên. Thằng bé chẳng lại quíu cả miệng lại ấy chứ.Có tiếng ru từ trong nhà vọng ra, đó là tiếng bà Năm già. Chị mừng quá, chị đẩy cửa bước vào.

“Chị Năm, em biết là chị sẽ trông thằng nhỏ mà……”.

Chị dừng lại. Ờ kìa, sao chị nói mà bà Năm chẳng hề để ý. Hay bà giận chị….

“Chị Năm, chị Năm, chị Năm…..”.

Trời ơi. Chị không thể chạm vào bà Năm nữa. Không thể chạm vào đứa nhỏ nữa.

“Khônggggggggggggggggggggg…………….”.

Chị hét lên, nhưng chẳng tới đươc cái thế giới của cuộc đời quen thuộc này nữa rồi. Thằng con chị gối đầu lên đùi bà Năm ngủ ngon lành. Miệng nó vẫn còn bóng loáng màu mỡ, tay vẫn cầm khư khư năm mươi ngàn. Thỉnh thoảng nó ú ớ

“50 ngàn của má cháu đấy”.

Ở ngoài kia, một góc của xóm trọ tồi tàn này. Tiếng sụt sùi, tiếng thủ thỉ to nhỏ, tiếng đóng cộp cộp của búa đinh. Quan tài chị đã được đóng chỉn chu ở bãi bồi của mé sông. Người ta không thể đưa chị vào căn trọ tồi tàn ấy được. Vì nó quá nhỏ. Vì thằng con chị quá nhỏ. Trời mờ sương rạng sáng bên sông. Xóm nghèo buồn một nỗi buồn liêu tịch.Hai ngày sau, thằng nhỏ con chị được chồng bà Tư cõng trên vai đi ra khỏi xóm trọ nghèo ấy. Bà Tư béo đi bên cạnh, một tay xách túi đồ của thằng nhỏ, một tay vỗ vỗ lên lưng nó : “đừng khóc con trai, đã có ba mẹ đây rồi”. Ông bà Tư sống gần hết đời người. Cũng có phúc đức, mà không biết sao chẳng có con…Những con người trong xóm nhỏ ấy thở dài đón yên bình trở lại. Có người gạt nước mắt mừng thầm cho số kiếp của thằng nhỏ ít nhiều đã đổi thay.Còn chị, chị lại bắt đầu một cuộc chạy trốn nữa rồi..

BÀN TAY CẦU NGUYỆN

Ông gọi bức tranh của mình đơn giản chỉ là Hands , nhưng cả thế giới ngay lập tức đón nhận kiệt tác nghệ thuật này và đặt tên cho món quà tình yêu ấy là “ The praying hands ” ( bàn tay cầu nguyện ) .

Vào thế kỷ XV, tại một ngôi làng nhỏ gần Nuremberg có một gia đình rất đông con: 18 đứa!Để kiếm đủ thức ăn đem về hằng ngày cho lũ trẻ, ông bố – một người thợ kim hoàn – đã phải làm việc vất vả gần 18 tiếng mỗi ngày và chẳng từ bất kỳ công việc gì mà người trong làng thuê ông.Mặc dù sống trong cảnh cùng quẫn, hai người con lớn Albrecht Durer và Albert Durer vẫn ấp ủ một ước mơ đẹp đẽ: cả hai đều muốn theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật, nhưng thật đáng buồn vì người cha chẳng thể nào kiếm đủ tiền để gửi họ đến học viện ở Nuremberg .

Sau nhiều đêm dài cùng bàn bạc trên chiếc giường chật chội , hai anh em nghĩ ra được một cách: họ sẽ gieo đồng xu, người thua sẽ xuống làm việc trong hầm mỏ gần nhà kiếm tiền nuôi người kia suốt thời gian ở học viện, và sau bốn năm người được học trước sẽ phải lo tiền học cho người còn lại, cho dù đó là tiền bán tranh, hay nếu cần là tiền lương của công nhân hầm mỏ.Họ cùng nhau gieo đồng xu. Albrecht thắng và lên đường đến Nuremberg. Albert bắt đầu chuỗi ngày làm việc vất vả nhọc nhằn trong hầm mỏ và suốt bốn năm đều đặn gửi cho anh khoản tiền lương ít ỏi.Tại học viện , tranh của Albrecht được đánh giá như một bước đột phá. Những bức khắc, gỗ chạm, sơn dầu của anh vượt xa các giáo sư lâu năm. Đến lúc tốt nghiệp , Albrecht đã có thể kiếm được những món tiền kha khá nhờ bán tranh.

Khi Albrecht trở về làng , gia đình Durer tổ chức một bữa tiệc lớn ăn mừng sự thành công của chàng họa sĩ trẻ.Sau bữa ăn dài thịnh soạn đầy tiếng cười và tiếng nhạc, Albrecht đứng lên nâng cốc về phía người em trai ở cuối bàn bày tỏ lòng biết ơn những năm tháng hy sinh thầm lặng để anh vun đắp cho hoài bão nghệ thuật.“ Và bây giờ, Albert, em trai yêu quý của anh…” , Albrecht trìu mến nói , “…Đã đến lúc em biến ước mơ của mình thành hiện thực. Hãy đến Nuremberg, anh sẽ lo tiền học cho em”.

Tất cả mọi người đều quay về phía cuối bàn nơi góc phòng. Albert ngồi đó, nước mắt ràn rụa trên gương mặt gầy gò xanh xao, chỉ có thể nghẹn ngào: “ Không… không… không…”.

Cuối cùng Albert lau nước mắt đứng dậy, nhìn khắp lượt những người yêu thương rồi đưa tay ôm mặt khẽ nói :“ Không anh ạ, muộn mất rồi. Em không thể đến Nuremberg được nữa. Hãy nhìn xem, những tháng năm dưới hầm mỏ đã tàn phá đôi tay em. Mỗi ngón tay đều đã dập nát không dưới một lần, và gần đây tay phải em lại bị chứng thấp khớp hành hạ, đến nỗi không thể cầm ly chúc mừng anh thì làm sao có thể cầm cọ vẽ những đường nét tinh tế trên khung vải trắng”.Lịch sử đã lùi vào quá khứ.

Giờ đây, hàng trăm tác phẩm của Albrecht Durer được trưng bày trong nhiều viện bảo tàng lớn trên thế giới, nhưng điều lạ lùng là phần lớn người ta biết đến tranh ông, thậm chí treo trong nhà bản sao của chỉ một tác phẩm duy nhất.Người ta kể lại rằng, để tỏ lòng biết ơn đức hy sinh cao cả của người em trai, Albrecht đã kiên trì tái hiện từng đường nét của đôi bàn tay không còn lành lặn áp vào nhau, với những ngón tay xương gầy hướng lên trời.Ông gọi bức tranh của mình đơn giản chỉ là Hands, nhưng cả thế giới ngay lập tức đón nhận kiệt tác nghệ thuật này và đặt tên cho món quà tình yêu ấy là

“The praying hands” (bàn tay cầu nguyện).

Hiệu ứng lồng chim và hiệu ứng Diderot

ĐƯỢC TẶNG CHIẾC ÁO NGỦ, NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHÔNG NGỜ PHẢI SỬA SANG LẠI CẢ 1 CĂN PHÒNGCÂU CHUYỆN VỀ CHIẾC ÁO CỦA NHÀ TÂM LÝ HỌC DIDEROT

Vào thế kỷ 18, tại Pháp có một nhà triết học tên là Dennis Diderot. Một hôm, có người bạn mang tới tặng ông một chiếc áo ngủ chất liệu kiểu dáng rất đẹp, đường may tinh tế, Diderot cực kỳ yêu thích.Ông mặc chiếc áo, đi qua đi lại trong phòng sách và bỗng nhiên phát hiện, đồ dùng trong phòng cái cũ mòn, cái lại không hợp phong cách; các mũi khâu trên thảm cũng thô tới đáng sợ.Mình đã có chiếc áo ngủ sang trọng như thế, vậy tại sao lại không sống một cuộc sống đẹp hơn từ đây? Thế là, Diderot quyết định làm mới nâng cấp toàn bộ nội thất trong phòng sách.Sau việc này, Diderot cảm thấy có gì đó không đúng. Bản thân là một triết học gia, thế mà lại chịu sức ép từ một chiếc áo ngủ. Ông ghi chép câu chuyện này lại đề ngẫm nghĩ.200 năm sau, nhà kinh tế học đại học Harvard, Juliet Schroer đề cập tới câu chuyện này trong một cuốn sách tựa đề “Chi tiêu quá độ của người Mỹ”, đồng thời đưa ra “Hiệu ứng Diderot”, chuyên chỉ hiện tượng con người sau khi có một thứ mới thì không ngừng bài trí những vật dụng phù hợp với nó.Trong sách “Hàn phi tử” có câu chuyện “Tượng trợ chi ưu”, cũng phản ánh một cách rất hình tượng “hiệu ứng Diderot”.

Câu chuyện như sau:Trụ Vương dùng ngà voi làm đũa, chú của Trụ Vương, Cơ Tử từ chuyện nhỏ suy ra đại cục, nghĩ rằng điều này không có kết quả tốt. Bởi vì Cơ Tử cho rằng, dùng đũa ngà, ắt hẳn sẽ không dùng lại chiếc cốc thô sơ mà đổi sang dùng chiếc cốc sừng tê giác tinh tế, cũng chắc chắn sẽ không ăn lại rau củ ngũ cốc thô, mà đổi sang sơn hào hải vị. Đương nhiên, ăn sơn hào hải vị cũng sẽ mặc quần áo sang trọng, ngồi trong căn phòng rộng rãi, dưới mái đình cao lớn, mà không thể mặc lại quần áo vải thô cứng, ngồi trong ngôi nhà tranh ăn uống.

Nền tảng tâm lý học của “Hiệu ứng Diderot”là gì?

Căn cứ vào tâm lý học Gestalt, cảm giác hoàn chỉnh là một trong những điều cần thiết cơ bản nhất. Khi con người đối diện với sự không hoàn mỹ hoặc thiếu sót, sẽ xuất hiện một dạng căng thẳng nội tại, từ đó nảy sinh khuynh hướng nóng vội muốn thay đổi, khiến chúng hoàn hảo hơn, nhằm cân bằng nội tâm. Nói cách khác,”hiệu ứng Diderot” phản ánh tâm lý theo đuổi sự hoàn thiện của con người. Có thể có người cho rằng, mình không phải là người có tính cách hoàn hảo, do vậy, “hiệu ứng Diderot” không phù hợp với họ. Nhưng nếu theo đuổi sự hoàn mỹ là tâm lý chung của nhiều người, nó sẽ hình thành áp lực cộng đồng, gián tiếp tạo ra “Hiệu ứng Diderot”.

Câu chuyện của nhà tâm lý học người Mỹ William James và bạn thân, nhà vật lý học Carlson là một ví dụ rất sinh động. James là người đưa ra “hiệu ứng lồng chim”.

Một hôm, James cá cược với Carlson:

“Tớ nhất định sẽ khiến cậu sớm nuôi một con chim.”

Carlson không đồng tình:

“Tớ chưa bao giờ nghĩ muốn nuôi một con chim.”

Vào ngày sinh nhật của Carlson, James tặng bạn một món quà, đó là một chiếc lồng chim tinh xảo. Carlson tiện tay đặt cạnh bàn làm việc, cười đáp:

“Đây chỉ là một sản phẩm thủ công đẹp mà thôi.”

Nhưng bắt đầu từ đó, khách khứa ghé thăm nhìn thấy chiếc lồng chim trống không bên cạnh chiếc bàn, dường như đều sẽ hỏi:

“Giáo sư, ngài nuôi chim phải không?”

Carlson đành phải giải thích hết lần này tới lần khác:

“Tôi chưa bao giờ từng nuôi chim.”

Nhưng sau câu trả lời này chỉ đều đổi lại nghi hoặc và ánh mắt ngờ vực. Bất đắc dĩ, Carlson đành mua một con chim bỏ vào lồng, “hiệu ứng lồng chim” cuối cùng đã ứng nghiệm.

Lời bình

Chân lý mà “Hiệu ứng Diderot” hay “Hiệu ứng lồng chim” chứng minh chính là, một khi chúng ta tiếp nhận đồ vật không cần thiết, áp lực theo đuổi sự hoàn mỹ của chính chúng ta cũng như áp lực cộng đồng mà những người xung quanh ta tạo nên, đều có thể thúc đẩy chúng ta không ngừng thu nhận nhiều hơn những món đồ không cần thiết.Socrates từng nói: “Khi chúng ta mệt mỏi chạy theo cuộc sống xa hoa, cuộc sống hạnh phúc sẽ ngày càng xa chúng ta.”Nhưng trong thế giới đầy rẫy mong muốn và chọn lựa, duy trì ý thức giản dị, chân chất, biết đủ biết dừng lại, thật khó khăn biết bao.

Luận chuyện bia rượu – Túy lúy kể thời xưa

Trên mâm tế khí nhà tôi có cái tước đồng, thấy bảo là đồ từ đời nhà Hạ. Thời xưa, quý tộc mang đẳng cấp cao thấp khác nhau thì uống rượu bằng loại tước có hoa văn khác nhau, lâu dần người ta lấy luôn cái tước đó để làm cái tượng trưng cho quyền lực đồng thời phân vị trí tôn ti của các vua chư hầu. Đồ uống có cồn là một nét văn hoá truyền thống hàng nghìn năm của nền văn minh Đông Á, là chất dẫn thần thánh để liên hệ với Trời Đất và tổ tiên, nhưng có một điều ít người biết, đó là ngoài rượu bia, một phát minh vĩ đại khác của Đông Á chính là bia.

Luận chuyện xưa về bia rượu

Các di chỉ khảo cổ đã cho thấy, bia tức mạch tửu lần đầu tiên được nấu bởi người Trung Hoa từ 9000 năm trước, ngay sau khi lúa mạch được du nhập về từ vùng Lưỡi Liềm Phì Nhiêu, thậm chí được ghi chép trong Giáp Cốt Văn với tên gọi là Lao Lễ, được dùng để dâng lên thần linh. Bia là thức uống thiêng liêng, nên việc cho vài lon bia lên bàn thờ gia tiên như ngày nay, vốn hay bị một số anh chị chê cười là lai căng, thực ra là mới chính là tuân theo cổ lễ của người xưa vậy. Rượu bia là thứ không thể cấm triệt để được, bất kể với hình thái nhà nước nào và thời đại lịch sử nào. Ngay cả Khổng Tử – foodie lừng danh của thời Xuân Thu cũng không chủ trương cấm bia rượu, trong ăn uống Khổng Tử đề ra rất nhiều quy tắc nhưng riêng với bia rượu, Ngài chỉ ngắn gọn “duy tửu vô lượng, bất cập loạn”, tức là duy chỉ có bia rượu thì uống thoải mái, miễn là đừng để say rồi gây rối linh tinh.

Và cũng có người đã từng thử cấm rượu bia

Người đầu tiên từng thử cấm bia rượu và thất bại chính là Lưu Bị. Bị vào Tây Xuyên, lên làm hoàng đế, năm ấy nước Thục hạn hán, Bị ra lệnh cấm người dân không được dùng ngũ cốc để nấu bia rượu và phạt rất nặng kẻ vi phạm. Bọn quan lại lợi dụng điều ấy để sách nhiễu dân, cứ nhà nào có dụng cụ nấu rượu là bắt tội để nã tiền. Có viên thị vệ muốn cảnh báo Bị việc ấy nhưng không dám nói thẳng, nhân hôm hộ tống Bị cưỡi xe đi tuần, trên đường thấy một cặp nam nữ rất đẹp đôi, viên thị vệ trỏ tay nói xin Chúa Thượng hãy cho bắt đôi gian phu dâm phụ kia lại. Bị ngơ ngác hỏi ta thấy họ là đôi thanh mai trúc mã, sao ngươi lại nói thế? Viên thị vệ bảo vì trong người họ có công cụ tà dâm, Bị cười hiểu ra, liền bỏ lệnh cấm ấy.

Để rồi lịch sử của người việt về rượu bia

Người Việt biết uống rượu từ mấy nghìn năm, nhưng uống bia thì mới từ cuối thế kỷ 19, thế mà tới nay mỗi năm Đông Lào nhân đã nạp vào người hơn 4 tỉ lít bia. Tác hại đi kèm của lạm dụng bia rượu thì rõ rồi, nhưng giải pháp thế nào thì mãi chưa thể chỉ ra được. Chúng ta cần phải cân bằng giữa giảm tác hại của rượu bia với lợi nhuận của ngành bia nội địa (liên quan tới hàng nghìn tỉ tiền thu thuế), cách đơn giản nhất đó là giảm lượng, tăng chất, tức là tập trung vào nâng cấp chất lượng và thay đổi văn hoá uống bia theo hướng nên uống vài chai bia cao cấp thay vì ngồi toã ra từ sáng đến chiều bên ca bia cỏ đầu đau vì andehit đít rát vì trĩ độ 3, vô cùng phản văn hoá và gây nhiều hệ luỵ xã hội.Bia cao cấp không khó sản xuất, vì đằng nào thì nguyên liệu và máy móc nấu bia cũng phải nhập khẩu 100%, chỉ cần tăng các tiêu chuẩn chất lượng nguyên liệu, nguồn nước, vi sinh, cùng với đầu tư thiết kế vỏ, nhãn mác đẹp long lanh thì với kinh nghiệm nấu hàng tỉ lít bia mỗi năm, các hãng bia nội địa Việt Nam hoàn toàn có thể làm được bia cao cấp hợp khẩu vị nhất với người Việt.

Và tình hình hiện nay về Rượu bia

Nhưng làm được là một chuyện, bán được lại là chuyện khác, không chỉ là tâm lý người Việt sính ngoại, mà còn nằm ở chỗ một số hãng bia nước ngoài khá mất nết trong việc cạnh tranh và luôn muốn dìm các thương hiệu Việt xuống phân khúc bình dân để độc chiếm mâm cao, mà gần đây nhất chính là sự vụ Heneiken/Tiger cấm các đại lý bày sản phẩm bia cao cấp mới của Sabeco là Saigon Chill, vì nó cạnh tranh với thương hiệu con Tiger bạc của họ. Khen chê thì tuỳ mồm, nhưng chắc chắn về công nghệ, độ tinh khiết thì Saigon Chill có thể coi là tinh tuý, với công nghệ lọc sâu ở nhiệt độ -2 độ C, tạo nên hương vị đặc biệt là điều không thể phủ nhận, đây là hướng đi đúng và tất yếu cho ngành bia Việt Nam để nâng chất lượng và giá trị sản phẩm hướng tới phân khúc cao cấp, bất kể có bao nhiêu bọn chọc gậy bánh xe cũng không thể cản được.

Việc thay đổi văn hoá uống bia, có lẽ cần bắt đầu với thay đổi văn hoá kinh doanh của một số hãng bia trước đã, nhất là vào mùa cận Tết, khi hầu hết bia được mua về là để cho khách uống, thì nhu cầu về bia cao cấp sẽ là rất lớn. Thắng lợi được một mùa Tết, là thương hiệu sẽ có chỗ đứng được trên thị trường từ đấy về sau, người tiêu dùng có thêm lựa chọn, sản vật nước nhà có thêm của quý mà đãi khách phương xa, lên án bọn cạnh tranh không lành mạnh là điều nên làm để bảo vệ quyền lợi của chính chúng ta.

Lý Bạch nâng chén thì nhà Đường phát tích thần thơ, Kinh Kha nâng chén thì nước Yên có thêm hào kiệt, Triệu Khuông Dận nâng chén thì vững được 300 năm cơ đồ triều Tống. Bia rượu không xấu, chỉ có bọn nhãn bia cạnh tranh bẩn và bọn say khướt đập phá, phóng xe mới xấu, mà thôi. Hãy học cách uống có văn hoá, có khí chất của người xưa, thì dẫu xóm xóm đắp tượng Đỗ Khang, người người bái Lưu Linh làm sư tổ, cũng chẳng gây hại gì cho quốc gia Việt Nam tươi đẹp của chúng ta vậy.