Tôi thức dậy thật sớm, pha một ấm trà thật đặc. Tôi bê chiếc ghế tựa cùng vài quyển sách với cái điều cày ra ban công, Hút một bi thuốc lào dài, cháy lõ, đỏ nòng. Tôi mơ màng buông mình xuống ghế, đưa tầm mắt đi thật xa. Tôi buông mình xuống, ngắm nhìn mấy cành cây còn trơ lại, những thân cây gân guốc quá nửa đời, nằm trơ ra giữa cái lạnh gắt thấm vào vỏ, vào gốc vào rễ từng cây, chẳng ai biết được thời gian đã trôi bao lâu, cũng chẳng ai biết được sự sống đã trôi bao xa, mọi người chỉ biết là những thân cây già ấy vẫn sống, vẫn trơ ra giữa trời Hà Nội, dù chính nó và tất cả mọi người đều biết. Thời gian, ngọn lửa ngàn năm đốt cháy chúng ta từ bên trong.
Anh tôi gõ cửa, phòng tôi không khóa cửa nhưng cũng không mở cửa bao giờ. Anh tôi cứ gõ cửa như thường lệ và tự mở cửa vào. Bê chiếc ghế nữa ra ngồi cạnh tôi. Anh lấy chiếc chén, tra đầy 2 ly trà, Cũng với cái điếu cày mà làm một bi dài. Ngã người xuống ghế và nhìn cùng tôi. Anh tôi vốn thế, ông không phải kiểu mộng mơ hay là thích mấy thứ âm trầm như tôi, nhưng ông rất hiểu lòng người, và ông cũng dễ đồng cảm với mọi thứ của mọi người. Có lẽ vậy nên tôi coi ông là một người cầm quân giỏi nhất tôi từng gặp. Ông không giống người khác, cố đưa họ theo mình, cũng không cố ép mình theo họ, ông cứ đi cùng họ, ngắm nhìn cùng những cảnh vật với họ mà hưởng thụ, mà lâng lâng theo cái thói đời thường, theo cái cách những đứa trẻ em nghe bà kể về câu chuyện cổ. Để rồi khi ông rời đi, làm những người được ngồi cùng ông xao xuyến, bâng khuâng một cách khó tả, những người đó biết, họ nhớ ông, nhưng họ không rõ, họ nhớ ông về chuyện gì, họ không rõ ông đã làm gì trong cuộc sống của họ, nhưng họ nhớ ông.
Chúng tôi ngồi như vậy khoảng 30 phút. Chẳng ai nói với ai. Tôi yêu những lúc như vậy hơn là những lúc, mọi người ngồi cạnh nhau, dù thân đến mấy cũng phải cố moi ra chuyện để mà nói, để mà kể. Dù việc đó thực tâm từ ý tốt của họ, nhưng tôi vẫn không thích, vậy thôi. Nếu không có chuyện gì mà vẫn muốn ngồi cùng nhau, chi bằng chúng ta đừng nói gì có được không.
Bỗng, trời đổ mưa ngâu, thời tiết mưa ngâu khi gần xuân thì vậy không hiếm, nhưng bỗng nhiên có cơm mưa vào ngày chủ nhật lặng gió này bỗng làm cuộc sống thêm thi vị. Khung cảnh thơ và buồn hết mức, có một đôi tình nhân đi dưới cây bàng già đối diện chỗ tôi. Tôi ngắm nhìn họ và tôi nhớ em. Những ngày lang thang của tuổi trẻ, tôi và em cũng ướt đẫm trong cơn mưa chiều Hà Nội.
-Đôi kia còn trẻ nên vui nhỉ.
Bỗng anh tôi nói, ông luôn như vậy. Ông không học gì về tâm lý hay một cách nào đó để biết người khác đang nghĩ gì, nhưng ông vẫn luôn biết người khác đang nghĩ gì, có lẽ đó là một bản năng của người đã từng qua quá nhiều chuyện trong đời
-Thú đau thương ấy thì vui vẻ gì anh.
Ông cười lớn, hay tay kê ở đùi, giọng đầy ương bướng.
– Em tôi vẫn còn nhớ Chi rồi. Nhớ làm Chi em ơi.
Ông cũng có kiểu chơi chữ thượng hạng.
Đâu, nhớ cái Chi Chi gì. Tự nhiên tết lại dịch, bao giờ anh về quê.
Tôi cố nói sang chuyện khác.
Anh không biết, có mấy anh em không về được quê, có khi anh ở đây với chúng nó.
-Mấy anh em ở Hải Dương với Quảng Ninh à
-Không, mấy ông ấy từ lúc mới có dịch đã về hết rồi. Mấy ông này còn nhỏ, bỏ nhà đi, giờ không dám về nhà.
-Anh bảo chúng nó về mà xin lỗi gia đình thôi.
– Anh bảo rồi, chúng nó chưa hiểu được, sau này chúng nó khác hiểu.
Tôi với anh còn ngồi thêm mấy tiếng nữa, mỗi người một góc, hết đôi ấm trà, tôi đọc nốt quyển sách, ông ngồi nghịch điện thoại. Qua một ngày chủ nhật, không có dự định nào hết.