Phố nghèo, chiều mưa buồn lê thê. Có vài tiếng rao vọng lại, tiếng trẻ con khóc, tiếng 2 bà mẹ trẻ chửi mắng nhau, tiếng ồn từ một quán nhậu rẻ tiền….Và cả tiếng kêu ken két từ cái bàn đạp đã gãy một bên của chị. Chị đạp đi thế mà lòng vui lạ. Đơn giản thôi, vì qua một chiều mưa lao lực và hi vọng, túi chị đã có 50 ngàn. Vừa đạp xe, thỉnh thoảng chị lại sờ vào túi của chiếc áo bạc màu, thẫm đen vì mưa và mồ hôi, ở đó có 50 ngàn. Ở đó có tình yêu thương của chị.
Tiểu sử của chị cũng ít ỏi, như số tiền trong túi áo chị vậy. Một khổ nữ bới rác kiếm cơm. Không chồng, không nhà, không niềm vui thường trực. Có một đứa con 6 tuổi. Có một niềm hi vọng chơi riết trò ú tim. Thực ra thì lúc có đồng vốn ít ỏi trong tay, chị là bà buôn ve chai, nhưng như lúc này thì…Nửa tháng nay, cả 2 mẹ con chị bệnh. Mà mẹ con chị vẫn thường bệnh như thế. Làm ra được đồng nào là lại ngấm hết cả vào thuốc men. Chị chạy vạy trong xóm trọ nghèo để mượn tiền thuốc thang, cơm nước qua ngày. Chị vừa là người bệnh, vừa là con bệnh, vừa là kẻ nuôi bệnh tận tình. Hàng xóm chị là những “người nghèo tốt bụng có hạn”. Thế nên, sau vài bát cơm, miếng cháo ban đầu rồi họ cũng phải bỏ rơi mẹ con chị. Họ còn có cuộc sống của mình. Họ lực bất tòng tâm. Xóm trọ nghèo bên sông Sài Gòn hoang hải ấy buồn liên miên.
Đã hai ngày nay, mẹ con chị chỉ húp mớ cháo lỏng bỏng từ bát gạo mà bà già bán vé số hàng xóm cho. Chị biết bà cũng không có gạo mà ăn, và mặc dù đã cho mẹ con chị rất nhiều. Nhưng đành nhắm mắt ngửa tay, như cho sự sống mình một cơ hội chuộc lỗi vậy. Để đến sáng nay, chị đứng dậy. Như cây chuối ở quê chị năm xưa bị bão xô nghiêng rồi tự đứng dậy.
Thế thôi. Phố những ngày vắng chị, hình như “rác quý giá” cũng nhiều lên. Chỉ vài vòng đạp xe, vài lần “khứu giác yếu đuối và đói” của chị phải chịu mùi xú uế từ những thùng rác uống căng tràn thời gian và nước mưa: Chị có 50 ngàn.“Con muốn ăn gì nào con trai?”, trong cái phòng trọ chỉ đủ để nằm-ngồi, để biến chị và con trai thành “người thành phố” ấy.
Sáng nay, chị đã xoa lên cái đầu cả tuần không gội của nó mà hỏi thế.“Má, nhỏ thôi, một cái đùi gà nhé má. Con hứa, con sẽ khỏe liền, he he. Rồi con lại đi bán vé số như thường. Con lại mua mì vằn thắn cho má ”. Thằng quỷ. Đúng là chị thích món mì đó. Hễ khi nào bán “cháy hàng”, là nó lại mua cho mẹ một tô, coi là “quà”. Nó 6 tuổi. Chị muốn nuốt chửng nó vào trong người ấy chứ, để vĩnh viễn chẳng gì có thể đụng chạm đến nó. Đứa con thân yêu-người thân vô nhị trên cõi đời của chị. Thế mà chị không làm được. Không thể nào.“Nhất trí thưa ngài. Đảm bảo sẽ có một em đùi gà chiên giòn bóng mỡ về cho ngài”. Người đàn bà “khổ hạnh vui tính” cười với con. Nhìn đứa con gầy còm, nhợt nhạt chị tủi hổ vô vàn.__Tiếng ken két của chiếc xe đạp lướt qua những vũng nước mưa nhẹ tênh. Chị chẳng thấy đói gì cả. Dù lúc trưa chỉ uống nước, và ăn mớ xôi hôm qua lão chủ làm cổ cúng người vợ quá cố, lúc sáng lão mới mang cho.
“Này, bác Tám, bác sao thế này. Lâu nay bác ở đâu. Trời ơi, mọi người trông bác mãi, sao thế này bác ơi”.
Là lão Tám Ròm. Làm nghề vá xe đạp, hồi trước ở cùng xóm trọ. Sau lão đi kiếm thằng con trai bị tâm thần bỏ lão đi từ lâu vì nghe tin nó bạt tận Chợ Lớn. Thế mà giờ thì lão đang thoi thóp trên tấm ván đầy mỡ heo của đám tỷ lô chợ sáng.
“Đói….đói….”.
Lão thều thào, mắt nhắm ghiền như ngủ.
“Bác đợi cháu, nằm đây nhé”.
Chị chạy vào tiệm tạp hóa gần đó. Mua cho lão một bịch sữa, một cái bánh mỳ. Có bao nhiêu đâu, chỉ hết 10 ngàn, chị nhẫm tính rồi. Còn 40 ngàn mà lo gì. Bác đói chẳng lẽ mình bỏ đi, trước đây bác tốt với mình…
“Này con kia….à bảo là không có tiền trả bà mà đi mua đồ kinh nhể…”
Mụ Năm Vàng.
“Tao không tự lấy thì chắc kiếp sau mày trả quá, đưa đây, có bao nhiêu đưa hết đây, 1 đồng bà cũng lấy”.
Mụ giật lấy 2 tờ 2 chục trên tay chị. Chị giằng lại.
“Bác ơi, em xin bác. Rồi em đi làm em gửi bác. Con em đang ốm….em xin bác…bác ơi…”
Mụ Năm béo quá, chị thì gầy quá.Tay chị lại ướt nữa, 2 tờ tiền cứ thế tuột ra. Chị cứ đứng đờ người ra đó mà chẳng biết làm gì, khuôn mặt chị-khuôn mặc khắc khổ không còn đủ chỗ cho nỗi thất vọng nữa rồi. Và mụ Năm cũng đã mất hút đầu hẻm. Mà không quên cảnh cáo chị và chỉ thằng nô sai đi theo:
“Còn thiếu 4 trăm 6. Cho mày một tuần, bà sẽ đến hỏi chuyện. Mày, lấy luôn chiếc xe đạp của nó cho tao”.
Chao ôi. Có đâm có chém, có nợ trăm triệu vạn triệu chị cũng chịu được, cũng cặm cụi làm cho đến cùng đời bến kiếp để mà trả nợ. Mà sao giờ mất bốn chục, chị cảm thấy như rụng hết cả 2 bàn tay, ruột đứt từng khúc mất rồi. Mụ Năm…. cũng phải thôi, gia đình mụ cũng vừa tan nát vì lão chồng tặc cờ bạc. Chị nuốt nước mắt, chị chẳng còn thấy mặn gì cả. Vì đã tê buốt hết cả người rồi. Con trai chị. Nó đang nằm đó, nó ngoái cổ nghiêng tai để nghe tiếng xe của mẹ nó về. Nó nghĩ đến cái đùi gà, nghĩ đến mẹ nó, nghĩ đến những ý nghĩ nhỏ bé về cuộc đời bé nhỏ của nó. Chị nghĩ thế, trong đầu chị ngập đầy hình ảnh con trai. Chị toan bước đi thì dẫm lên bịch sữa hồi nãy chị và mụ Năm giằng co nhau làm rơi. Hay là chị mang bịch sữa và bánh mỳ về cho nó. Còn lão già kia có là gì của mình đâu, đúng rồi, cuộc đời mà. Cái gì từ máu từ thịt mình thì mình mới đau, phải không. Phải, chẳng có gì lớn hơn được tình mẹ con cả. Cũng như mấy ngày trước, chị cố lê lết ra phố chợ này thiếu nợ. Mà…có được đâu. Làm sao mà được. Đừng hòng che đậy, đừng hòng rủ rê, lôi kéo chị – những thứ tình cảm xa vời nhợt nhạt và hời hợt kia. Chị gạt nước mắt. Bước đi. Chị ôm khư khư bịch bánh và sữa, hít thật sâu, hai mắt chị căng ra để đón sự vô cảm ùa vào. Chị đi về phía lão Tám, nhưng chị sẽ bước qua lão. Nhất định
.“Đói…..sao mà lâu về thế cô Hai ơi, cô bỏ tôi luôn sao, ai cũng bỏ thằng già này luôn sao”.
Lão Tám vừa nằm vừa rên rỉ. Y như lão biết hết chuyện xảy ra ở tạp hóa vậy, y như lão đang đâm dao vào lòng chị vậy.
“Triệu người quen có mấy người thân. Khi lìa trần có mấy người thương”.
Trời ơi lão còn hát. Chắc không tìm thấy con lão cũng bị điên luôn rồi. Chị đã qua bước qua lão 2 bước chân. Nhưng đến đó thôi, nó như dính chặt xuống đất mất rồi.
“Này, dậy đi, dậy đi…dậy ăn đi này ông già…chết tiệt.”
Chị bỏ cả 2 thứ mà chị ôm khư khư xuống tấm phản. Lão Tám không ngồi dậy. Lão cứ nằm thế, mắt cứ nhắm thế và quờ tay vơ lấy chiếc bánh mỳ nhai lấy nhai để, lão cắn bịch sữa, lão uống mà sữa chảy cả ra cổ, ra tấm phản trắng xóa.Chị nhìn lão Tám, rồi khóc, rồi bỏ chạy. Chị không biết mình chạy vì cái gì. Trời vẫn lùn phùn mưa. Mà đời đâu có đau lùn phùn vào lúc này nữa. Ôi chao ôi ! Tình thương đối với chị sao mà nó xa xỉ quá thế này, xa xỉ như tờ 50 ngàn ít ỏi của cuộc đời kia.Chị không biết tại sao mình lại đứng tần ngần trước quán gà nướng từ khi nào. Mà cũng đúng thôi. Vấn đề lớn nhất của chị bây giờ không phải là đói khổ, là cơ cực, là lẻ loi, bạc bẽo ở đời sống này. Mà là niềm trông ngóng của thằng con trai chị. Nó là tất cả…là tất cả…
“Chị …..bán cho em…một …đùi…”
“À…con Hai…gớm nhỉ hôm nay có tiền ăn đùi gà cơ đấy….cấm nợ nghe chưa….đầu tháng không nợ nọt gì đâu á….”
“Chị yên t….tâm đi, lấy cái nào to nhất ấy…”
Chị dấu nét tội nghiệp, khắc khổ, cái sầu sầu trong mắt lúc trước thật tài. Điều gì khiến chị cố gắng đến mức đó, ngoài tình mẫu tử đây.
“Ờ…cái con kia, tiền tao đâu, à…á…ăn cướp hả….bớ làng nước ơi, ăn cướp…ăn cướp….Chó má…mày đứng lại cho bà….”
Chị chạy, hình như với chị chỉ có chạy mới thoát khỏi mớ khổ đời.Chị nghĩ rồi, bà Tư béo bán chỉ có một mình, mà lại già cả nữa chắc chẳng đuổi theo chị đâu. Với lại bà ta cũng tốt bụng. Nhưng mà chị chạy ở phố chợ này thì như chạy vào đường cụt, vì ai chả biết chị. Có lẽ chị đã mụ mị mất rồi. Lần đầu tiên đi làm cái việc mà thiên hạ gọi là ăn cướp. Chị mụ mị rồi, không bàn cãi nữa.Có những lúc con người ta tự cho mình mụ mị, vì họ đã lỡ bước chân lên con đường cụt, mà mắt họ chẳng nhìn thấy một lối ra nào hết cả. Thật thương thay, thương thay cho chị. Không ai đuổi theo. Chị vẫn cầm khư khư đùi gà, vừa ngoái đầu lại vừa chạy. Chị chạy rất nhanh. Giá mà cuộc đời cứ chạy như thế, sẽ thoát được đói khổ cơ cực thì có phải hay không. Nhưng không thể. Cuộc đời đâu chỉ chạy là thoát, là rời xa được đâu.Chị chạy ở mé đường, chạy rất nhanh, trên những nắp cống cũ kỹ. Có một cái nắp đã bị ai đó dỡ lên. Chị không nhìn thấy, chân chị lọt thõm xuống đó.
“Bụp”
Đầu chị va vào nắp cống. Cả thân hình chị như cái bóng bay dài của đám trẻ bị xì hơi.
“á…ôi…”.
Người ta chỉ nghe có thế. Rồi người ta thấy máu me tràn ra tan vào cả vũng nước tù đọng nơi cái mương nhỏ của của góc chợ tồi tàn.Đám dân nhậu ở cái quán rẻ tiền bỏ bàn đứng dậy, chạy ra…….Có kẻ say vừa chạy vừa chửi “mẹ kiếp nó”…..—
-“Năm, sao má con lâu về vậy, ôi đùi gà ngon quá đi mất. Năm ăn một miếng đi này. …Khiếp, má cho con tới 50 ngàn cơ đấy. Mà Năm gặp má con ở đâu, làm chi mà làm hoài, con không cần nhiều thế này đâu, con cần má ở đây à. …..Ngày mai nè, con khỏe, con sẽ dùng 50 ngàn này mua cho má một tô vằn thắn to thiệt là to….he he con mua cho Năm nữa chứ…”..
Thằng nhỏ con chị, vừa nhai đùi gà vừa thủ thỉ với bà Năm vé số. Bốn giờ sáng, bà mới kịp mang cái đùi gà và 50 ngàn qua cho thằng nhỏ,
“này Tý, quà của má mày nè, bả chưa về, đang đi mớ hàng mấy ngày lận, của một công ty giải thể tận Bình Chánh đó con. Mày biết Bình Chánh ở đâu không, có khỉ. Nó xa lắm”.
Bà thức nó dậy, hồi chiều qua nó đã được bà cho húp mớ cháo lõng bỏng khi đợi mãi mà chẳng thấy mẹ nó về. Bà sợ nó đói. Ôi 50 ngàn và cái đùi gà kia có….ôi…cuộc đời…., bà nghĩ, ý nghĩ của bà đứt quảng….hình như bà muốn khóc.
“Ăn đi con, ăn đi, Năm già rồi không có răng. Mày ăn đi còn nhanh lớn nữa. Nhanh lớn nữa mày hiểu không?”.
Căn phòng xập xệ, ánh điện cũng xập xệ, đôi mắt ngái ngủ của thằng nhỏ không thể nhìn thấy được đôi mắt bà Năm già đang nhuốm lệ, lòng bà đang quặn đau…..
Chị trở về. Người chị nhức mỏi ghê gớm. Trời sáng sớm, phố nghèo đã lục đục âm thanh. Đó là cái âm thanh “đi trước cuộc đời” để kiếm miếng cơm. Lão Sáu bán xổ số, bà Ba đồng nát, Bà Hân hủ tiếu…..nhiều lắm. Mới có 4 giờ sáng họ đã lục đục dậy chuẩn bị, thế mà vui, thế mà họ và chị đã sống qua bao năm tháng như một điệp khúc đời người. Mà điệp khúc thì cứ lặp đi lặp lại, chứ có gì khác đâu.Chẳng ai thấy chị, chị cũng chẳng chào ai. Chỉ lo đi nhanh để về với thằng nhỏ.Tay chị vẫn cầm khư khư chiếc đùi gà đã nhuốm máu, ăn nhằm gì, về chị rửa lại, chị luộc lại. Rồi sang lão chủ nhà năn nỉ lão một ít mỡ hành về xối lên. Thằng bé chẳng lại quíu cả miệng lại ấy chứ.Có tiếng ru từ trong nhà vọng ra, đó là tiếng bà Năm già. Chị mừng quá, chị đẩy cửa bước vào.
“Chị Năm, em biết là chị sẽ trông thằng nhỏ mà……”.
Chị dừng lại. Ờ kìa, sao chị nói mà bà Năm chẳng hề để ý. Hay bà giận chị….
“Chị Năm, chị Năm, chị Năm…..”.
Trời ơi. Chị không thể chạm vào bà Năm nữa. Không thể chạm vào đứa nhỏ nữa.
“Khônggggggggggggggggggggg…………….”.
Chị hét lên, nhưng chẳng tới đươc cái thế giới của cuộc đời quen thuộc này nữa rồi. Thằng con chị gối đầu lên đùi bà Năm ngủ ngon lành. Miệng nó vẫn còn bóng loáng màu mỡ, tay vẫn cầm khư khư năm mươi ngàn. Thỉnh thoảng nó ú ớ
“50 ngàn của má cháu đấy”.
Ở ngoài kia, một góc của xóm trọ tồi tàn này. Tiếng sụt sùi, tiếng thủ thỉ to nhỏ, tiếng đóng cộp cộp của búa đinh. Quan tài chị đã được đóng chỉn chu ở bãi bồi của mé sông. Người ta không thể đưa chị vào căn trọ tồi tàn ấy được. Vì nó quá nhỏ. Vì thằng con chị quá nhỏ. Trời mờ sương rạng sáng bên sông. Xóm nghèo buồn một nỗi buồn liêu tịch.Hai ngày sau, thằng nhỏ con chị được chồng bà Tư cõng trên vai đi ra khỏi xóm trọ nghèo ấy. Bà Tư béo đi bên cạnh, một tay xách túi đồ của thằng nhỏ, một tay vỗ vỗ lên lưng nó : “đừng khóc con trai, đã có ba mẹ đây rồi”. Ông bà Tư sống gần hết đời người. Cũng có phúc đức, mà không biết sao chẳng có con…Những con người trong xóm nhỏ ấy thở dài đón yên bình trở lại. Có người gạt nước mắt mừng thầm cho số kiếp của thằng nhỏ ít nhiều đã đổi thay.Còn chị, chị lại bắt đầu một cuộc chạy trốn nữa rồi..