TRẦN TIẾN & TRỊNH CÔNG SƠN

“Hắn vừa nhập cư Sài Thành, trạc tuổi băm, còn thích điệu đàng lập dị. Áo ngâm vỏ cây người thiểu số, tóc tai hippi, ngược ưỡn, vai khuỳnh. Mở miệng là đại ngôn, bị đồng nghiệp Nam ghét, tẩy chay, cả năm trời không ai mời đi diễn, đói chết mẹ.”

Người duy nhất mở rộng vòng tay với “hắn” chính là Trịnh Công Sơn. Hôm ấy, Trần Tiến tháp tùng Phạm Tiến Duật lần đầu đến nhà Trịnh Công Sơn. Vừa gặp hai người, Trịnh Công Sơn lấy rượu ra mời ngay. Trần Tiến kể:

“Anh mời bọn tôi vài ly là tôi đã say và buồn ngủ. Lính ở trong rừng mà, lấy đâu ra rượu. Anh dìu tôi lên phòng và vặn nhạc của anh cho tôi nghe. Tôi ngủ một mạch. Thấy tiếng nhạc suốt đêm, tưởng tôi nghe hết. Sáng sau anh hỏi: “Có thích bài nào không?”. Tôi nói: “Anh có cái máy nghe nhạc tân kỳ quá, em chẳng biết tắt bằng cái nút nào”. Anh cười thật hiền”.

Rồi Trịnh Công Sơn mời Trần Tiến ở lại ngay trong nhà mình. Trong mắt Trịnh Công Sơn, một vị doanh nhân và một người đạp xích lô có giá trị như nhau, vì ông nhìn vào tâm hồn của họ. Và vì thấy tâm hồn của Trần Tiến nên xem “hắn” như người trong nhà, tới bữa mời xuống ăn cơm như anh em ruột. Rồi cái máu giang hổ thảo mãng nổi lên, Trần Tiến ái ngại bỏ ra công viên Văn Lang ngủ bụi. Trịnh Công Sơn mới sai em ruột là Trịnh Xuân Tịnh đi ra thỉnh về, rồi nói giọng buồn bã: “Tiến không chịu hàm ơn cuộc đời, thì làm sao biết trả ơn người”.

Trần Tiến – Trịnh Công Sơn – Bức ảnh hiếm hoi

Trần Tiến kể: có một dạo khi còn trẻ, ông ôm mộng phải viết cho được những đại tác phẩm Nhưng trong một lá thư tay, Trịnh Công Sơn viết: “Tiến à, mình không nghĩ rằng một bản giao hưởng tồi lại có thể ví được với một câu hò hay”. Tới đây, ta có thể hiểu âm hưởng dân gian xuyên suốt các tác phẩm của Trần Tiến từ đâu mà ra.

Để có thể mang “câu hò hay” vào mọi tác phẩm của mình, Trần Tiến tất nhiên phải có một óc quan sát thật tinh tế. Ông không đứng ngoài, mà lao vào sống, phải sống và thấu cảm đến đâu mới hiểu được “hồn người raglai”, mới nhìn thấy nỗi đau và niềm vui song hành theo những “vết chân tròn trên cát”, mới vui được khi nhìn “đàn chim Chơ rao bay qua bay qua dưới bầu trời”.

Ông mang sự tinh tế ấy từ âm nhạc vào trong văn học, thứ văn thô mộc nhưng đẹp tuyệt vời. Ông viết: “Không phải cứ cây, cứ chim là mùa xuân. Cây mận nhà anh Sơn (Trịnh Công Sơn) bởi cụ nhà khuất xa nên buồn mà chết. Con chim yến mất bạn tình, cô đơn mà đâm đầu từ núi cao xuống vực”.

Sài Gòn trong Trần Tiến chính là Trịnh Công Sơn vậy. Trần Tiến tả người anh lớn của mình: “Người ốm nhưng bước chân khoan thai, quý tộc, vai gầy nhưng ngực vươn ra như kiếm khách, nghe ai kể chuyện gì cũng “Tội rứa, chi mà tội rứa…” Đó là người “bảnh mắt ra đã gọi mình uống rượu, buồn như gã thủy thủ cuối chân trời”.

Thời gian “ở trọ” nhà Trịnh Công Sơn, Trần Tiến liên tục được bơm rất nhiều cảm hứng sáng tác. Ông viết:

“Kẻ hay chữ, một ngày không đọc sách, cái mặt trong đần đần ngu ngu.

Kẻ hay làm, một ngày không có việc, cái người trông bần thần muốn bệnh.

Chả thế vớ được người hay chữ như anh Hoàng Thiệu Khang mới ở bắc vào, anh Sơn vui lắm. Uống rượu, luận triết, nói cười rổn rảng suốt ngày trên cái vườn treo ở nhà. Nhớ một buổi chiều, ba anh em đang khề khà, bỗng có một em Nhật gõ cửa, xin được hỏi anh về triết phương đông. Em lại còn can tội… xinh nữa. Thế là chàng bỏ hai anh em tôi, líu ríu với người đẹp cả tiếng.

Chờ lâu quá, lại thông cảm với ông anh chưa vợ, tôi ra chào, xin phép về. Đi qua nàng, tự nhiên tôi hát:

“Âm dương nằm ngang, ngũ hành nằm dọc.

Em chưa biết đọc, em nằm nghiêng…”

TCS liền chen vào “Hay, hay. Toa mới bịa à, tiếp đi, tiếp đi.” Nói đoạn quay sang em gái xứ Phù Tang, khoe: “Đấy, đấy, âm nhạc phương đông đấy”.

Bấy giờ chàng mới sực tỉnh ra, xin lỗi vì đã quên bọn tôi. Từ hôm ấy, sáng nào cũng gọi sang uống rượu để được nghe những khúc sau. Nhờ gặp tri âm kích động, tôi viết thêm mấy chục bài nữa rồi tịt ngòi.”

Trước khi qua thế giới bên kia, Trịnh Công còn kịp dúi cho Bảo Phúc ít tiền, dặn thu thanh chùm ngẫu hứng cho Tiến, vì hắn “tội dễ sợ”. Tình bạn văn nghệ sĩ ngày xưa, sao mà đáng yêu đến thế.

Cũng như Trịnh Công Sơn, thời trẻ Trần Tiến chủ yếu… hát free. Người ta gọi ông là nghệ sĩ du ca. Mãi đến mấy năm trước, Trần Tiến mới lọ mọ lên Google gõ xem “Du ca là gì”. Đọc một đống kết quả xong cũng… ù ù cạc cạc. Chỉ biết đại loại là đi hát lang thang, không bán vé, không sân khấu, không ánh đèn và… không tiền. Tiền, nếu có, cũng dùng vào mục đích thiện nguyện.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *