Trời dựng thẳng đứng để bóng của nó in tròn quanh cổng nhà tôi gần một tiếng trời, nhưng nó không vào. Tiết trời Đại Thử tháng 7, 5 giờ chiều vẫn còn nắng gắt, mồ hôi ám ướt vai áo mọi người, vẻ mệt mỏi hiện rõ hằn lên cái ngõ chợ đã nghèo nay còn cảm giác càng nghèo hơn, trời đổ lửa lên da mọi người.
Nó chờ ngay đầu ngõ, chỗ đối diện nhìn sang hướng đèn đỏ, áo ba lỗ bóng rổ, in hình chúa, tay đầy xẹo, đút túi quần, mồm ngậm điếu thăng long, tựa vào cái biển tên đường mà hút, mắt ngó láo lác làm mọi người biết nó là một thằng du thủ du thực. Cũng chẳng lạ, người trên phố gọi đây là xóm liều, ngày nào cũng có đôi ba thằng du côn quanh quẩn quanh cái xó chợ này nên chẳng ai thèm để ý, người lớn dặn nhau nếu gặp cứ ngoảnh mặt làm ngơ đi thì hơn. Bọn trẻ con trong xóm thấy bọn nó sẽ tưởng tượng vô vàn điều về cái đời thằng mà bố mẹ nó thường chỉ tay mắng, dọa rằng” Nếu mày không học thì sau này sẽ giống thằng nó” . Còn bọn nó thì kệ, một mạng người với bọn nó cũng chỉ bằng vài nhát dao thì có còn thèm quan tâm gì. Bọn nó làm mọi thứ từ dẫn gái, buôn cần, bao banh đến ôm bạc chỉ để đổi lấy nửa ngày say sỉn, hoặc một đêm bực tức ở chốn đỏ đen thì có còn thèm quan tâm gì
Tôi đi làm về, hơn 9 tiếng ở công ty làm tôi mệt mỏi, đang dừng đèn đỏ, thấy mặt nó làm tôi càng lo hơn. Hiếm khi tôi với nó gặp nhau giờ này, cũng hiếm khi nó đứng chờ mà không vào nhà tôi như vậy. Nay nó chạy ra, băng qua làn xe lao vun vút, nháy nháy tôi. Tôi thấy nó, ngầm hiểu nó đang trốn nợ hay gì đó, đây không phải lần đầu chúng tôi gặp nhau bất thường như thế. Nó kém tôi 3 tuổi, nhưng tôi với nó đã cùng đánh nhau nhiều hồi còn ở quê. Trước tôi với nó học chung một trường, chơi chung một nhóm, lớn lên cùng một xóm, mẹ nó coi tôi như con. Lớn lên nó vẫn lông bông thế, mẹ nó chửi, mẹ nó đánh, mẹ nó nhắn tôi bảo nó, tôi chẳng bảo được, chẳng có cách nào nữa thì mẹ nó đem tôi ra chửi nó, nó vẫn kệ, hôm gặp tôi nó bảo, thà mẹ nó so nó với tôi còn hơn so nó với thằng khác nó ghét, lúc đó tôi nghe mà bật cười bảo thằng này hỏng.
Tay nó chỉ hướng quán cafe, hiểu ý tôi rẽ ngang, vừa qua đèn đỏ, tôi chạy thẳng về quán cafe cách đấy khoảng 2 cây. Lao giữa hàng cây bàng già đường Trần Đại Nghĩa. Vừa đến quán thấy bà già đang ngồi hút thuốc lào, ông già đọc báo, nghiếc mắt nhìn tôi rồi quay lại chẳng nói gì.
Tôi đi thẳng lên tầng 2, tìm gói cần dưới chân chiếc tượng đồng hình Oscar nặng chịch, bên trong đổ đồng đặc nhưng dưới chân rỗng một lỗ khoảng 5 phân, tôi giấu dưới đó một gói nhỏ khoảng 10gram và 1 tệp ocb trong quyển kinh thánh, rồi bước ra trước cửa sổ, ngó ra ngoài, cuốn xong điếu thì thấy nó đến dưới, rẽ sang ngồi quán trà đá tầm 10 phút, ngó quanh quanh mấy hồi rồi đứng dậy. Chạy thẳng vào quán cafe, nhanh như sóc, phi thẳng lên chỗ tôi. Ông già ngồi đọc báo trước cửa quán, chỉ kịp nháy mắt, ngó xem ai rồi cũng chẳng nói gì, ông đã quá quen với mấy người kì lạ mà tôi dẫn đến thế nên có thêm 1 điều kì lạ nữa thì cũng chỉ là thêm một thằng dở hơi nào đó đến tìm tôi, ông nghĩ vậy.
Tôi để điếu cần lại cho nó, xuống dưới quán lấy chai Jack Daniels cùng 2 ly rock, lần nào cũng vậy. Đủ mọi thứ mới có thể nói chuyện, có lẽ những kẻ bất cần như tôi và nó, những kẻ bất cần như chúng ta luôn phải tôn thờ một nguyên tắc nào đó, như cách thức để giữ lại chút người trong mỗi người. Tôi ngồi trước mặt nó, mắt mân mê cây bàng già, nó nói trước
– Bao lâu nữa anh về quê anh Tú
– Tao không biết, chắc chục ngày nữa, mày làm sao. Lại dính vụ gì
Nó nghĩ một lúc, không nói, nó uống hết nửa cốc rượu vừa rót, rượu mạnh, mà nó uống hết nửa. Chắc để bình tĩnh, chắc để đủ can đảm để nói, tôi nhận ra sự nghiêm trọng trong mắt nó cùng sự nghiêm túc của câu chuyện, tôi bỏ lại cây bàng, tập trung quay vào. Nó rút trong cạp quần ra cái bọc giấy báo, một sấp tiền 500 nghìn. Rồi ngó ra cửa, như một bản năng tự nhiên của kẻ giấu diếm của ăn cắp, hoặc thứ quan trọng. Bên trong có gần 300 triệu.
– Chắc em sắp phải đi, thấy mấy ông bảo 7 quyển, anh cầm giúp em, mỗi tháng chuyển về cho mẹ em khoảng 7-8tr nhé, nếu có công việc gì thì anh chuyển nhiều hơn cũng được.
Tôi ngạc nhiên, gió nóng thổi bốc mùi khô hanh vào căn phòng tầng 2 còm cõi chục mét vuông, mồ hôi chảy mạnh, cây bàng già lắc lư như sắp đổ, rễ cây, cành lá, đung đưa chống chọi cho mọi sự thật sắp đến. Tôi không biết nói gì trong hoàn cảnh này nữa, thấy mặt nó tái mét, không khí nặng chịch. Cơn gió nóng đi qua, mùi rượu mạnh bốc lên. Giữ con người ở lại, đứng vững với sự thật.
– Thằng Trọc, qua nó bị bắt đang cầm 3kg, nó khai hết rồi, thằng Đen, thằng Bảy đi rồi anh à, chắc mai bọn nó đến đón em
Nó vừa nói. Vừa rơm rớm nước mắt, dặn tôi mai có thêm 1 thằng đưa tôi cái hộp gỗ, trong có 500tr nữa cho tôi, nó không dám cầm đi hết một lần.
– Đêm qua, nó vừa bị bắt, em tìm thằng bán, đòi khai, thế là nó đưa em một cục. Sáng nay em gọi cho bà già, bảo em đi xuất khẩu lao động rồi gửi tiền về cho anh để anh chuyển cho bà, bà già em mừng lắm. Thế cũng tốt đúng không anh Tú. Vào đấy em sẽ khai em mồ côi. Thế là chẳng ai biết
– Tao đã chửi mày bao nhiêu lần rồi, làm ăn đàng hoàng đi, mày vẫn đéo nghe tao
Tôi cáu lên, thằng đàn ông sẽ làm gì trong hoàn cảnh này, ngoài sự hối lỗi và bực tức đây, tôi tự hỏi, rồi chúng ta có đủ bình tĩnh trong truyện như thế này
– Không có học thì làm gì nuôi được bà già với thằng Hến, nó còn nhỏ. Bà già em già rồi. Đợt này ra còn thừa 1 ít thì hứa với anh em sẽ không thế nữa.
– Mày đi mà hứa với mẹ mày ấy, mày tưởng mày không nói bọn nó không tìm ra à, bà mà biết thì tao biết làm sao.
– Ở đây có mỗi anh biết em, còn bọn nó có biết đâu, giấy tờ hôm qua em vứt hết rồi, bọn nó không tìm ra đâu. Nhất định em không khai.
– Thế mày lớn bằng gì
– Em bảo em lang thang
– Sao mày không trốn
– Trốn đến bao giờ anh, em làm ra thì em phải chịu thôi, anh em mình đều biết trước kết quả mà, thà để em chịu còn hơn là chui lủi, rồi về làm ăn đàng hoàng thì hơn, nếu cải tạo tốt thì chỉ cần 3-4 năm thôi anh à, lúc đó anh em mình ra uống rượu tiếp. Em thuê ông già ăn xin làm người bảo hộ rồi, cũng chẳng ai biết ông ấy là ai.
Nói xong nó khóc, đây là lần đầu tiên tôi thấy nó khóc, trước đánh nhau, nó rách gân tay, vào viện mẹ nó khóc cả đêm, tôi canh nó cả đêm. Thế mà lúc nó tỉnh, câu đầu tiên nó hỏi là mẹ nó có biết không, tôi bảo có, nó hỏi bà đâu, rồi rút dây truyền định trốn. Tôi can mãi, nó mới chịu nằm yên, nhưng nhất định nó không cho mẹ nó vào thăm, tôi hỏi sao, nó bảo nó sợ bà buồn. Đấy, thằng con trai vốn thế đấy, nó cục cằn sẵn, nhưng nó sợ làm mẹ nó buồn, nhưng đâu có người đàn ông nào dậy nó cách làm người đàn ông, bố nó bỏ đi biệt xứ, bảo mẹ nó đi đãi vàng tận Lào, mẹ nó kể ông bảo ‘Chẳng nhẽ cứ nghèo mãi” rồi bỏ đi, biệt xứ. Nó chờ ông đến hơn 10 năm, đúng 1 dịp nhắc lại, nó bảo chắc ông chết mẹ rồi, thì có ai dậy nó cách làm thằng đàn ông, nhưng mà thế nào đi nữa, thằng con trai vẫn là con của mẹ, tôi hiểu nhưng vẫn phải nói. Tôi bảo nó mẹ mày có vui vì mày bao giờ đâu, nó chẳng thèm nói gì nữa.
Nhưng lần này thật quá lắm rồi, tù tội là chốn cuối mà mấy thằng choai choai có thể tưởng tượng ra. Lấy số lấy le, hay là cái vực sâu, hoặc cái bầu trời đây, giờ lớn hơn, nghĩ lại thì tôi mới hiểu câu DSK viết
– Không chỉ bầu trời mà vực sâu cũng vô giới hạn