Nhiều khi không hiểu tại sao mà các địa phương VN lại có văn hóa khác nhau đến thế, thậm chí cả ngôn ngữ cũng khác nhau, trong khi nước Nga rộng mênh mông, nhưng bay nửa ngày xuống một thành phố lạ vẫn không thấy gì khác lắm Moskva.
Dân Đà Nẵng dặn con gái: Không được lấy ai ngoài đèo Hải Vân. Dân Sài Gòn sợ dân Hà Nội đến mức có hồi anh chạy cái xe máy biển Hà Nội mà bao nhiêu người vượt lên rồi quay lại nhìn, có người còn la lên: Ủa sao trắng dữ vậy ta.
Hình như người Bắc vào Nam sống nhiều, và hầu hết đều ổn, chỉ người Nam không mấy ai ra Bắc sống, nếu ai người Nam mà ra lại Hà Nội thì gần như chắc chắn họ là dân Bắc mới vô, chứ đã sinh ra ở Sài Gòn thì có lẽ không ai sống nổi ở Hà Nội.
Nói chung chủ đề Hà Nội và dân Bắc khá là nhạy cảm ở Sài Gòn. Bao nhiêu năm rồi mà dân Sài Gòn vẫn hạ giọng khi nói về những thứ liên quan đến Bắc kỳ. Nếu bạn nói giọng Hà Nội thì gần như chắc chắn bạn vào quán nhậu nào ở Sài Gòn, một lúc sau xung quanh bạn sẽ chẳng còn ai. Nghe giọng Hà Nội ở Sài Gòn rất khó chịu, cứ như nghe thấy tiếng kèn đám ma ở một đám cưới vậy.
Cái gì làm cho hai thành phố lớn nhất VN lại không thể hòa nhập được với nhau thế nhỉ? Anh đôi lúc bắt đầu nghĩ có thể do cái gọi là “Sự hiểu ngầm”.
Dân Hà Nội nói riêng và dân Bắc kỳ nói chung hình như sống trên một thế giới đầy ắp những nguyên tắc ngầm định và những sự tự hiểu, ngầm hiểu với nhau, hay nói một cách văn chương thì Bắc kỳ là vùng đất lắm người nhiều ma. Các gia đình Bắc kỳ thường bàn mưu tính kế trong bữa ăn, ví dụ hôm nay thằng này nói thế này, anh hiểu là thế này, mình nên thế này, để nó thế này,… Rất thú vị.
Còn dân Sài Gòn (thực ra với người Nam thì cái gì ở trong Nam cũng là Sài Gòn hết, nếu không là Sài Gòn tức là các tỉnh… ngoại ô Sài Gòn, đã nói đến miền Nam tức là nói đến Sài Gòn) thì sống trên một bình diện khác hẳn, khá trong suốt và minh bạch. Bạn bè trong Sài Gòn sẵn sàng đòi tiền nhau, đưa giá cho sự giúp đỡ (hoặc giúp xong quên luôn) chứ không kiểu như ôi bạn bè ai mà tính làm gì rồi sau này trách móc nhau mấy chục năm như dân Bắc kỳ. Bữa ăn trong gia đình Sài Gòn nhiều khi chỉ là nấu lên rồi mỗi người xúc một tô, ăn còn lo công chuyện, hơi đâu mà nghĩ đến đại hội sắp tới ông nọ ông kia. Ngoải lo hết rồi.
Nói chung dân Sài Gòn sống trong một thế giới mà ngoài Sài Gòn ra chỉ có Ngoải (Hà Nội) và Bển (Mỹ).
Thời tiết Sài Gòn hồi xưa cũng như tính dân Sài Gòn: Chỉ có Nắng và Mưa, và Mưa rồi chợt Nắng, không dầm dề đêm này qua đêm khác như Hà Nội. Nhưng gần đây dân Bắc vào nhiều quá, mưa cũng khác xưa rồi, cũng sủi bong bóng, cũng dài cả đêm, sợ thật.
Có lẽ do không cần hiểu ngầm nhiều như ngoài Hà Nội, nên các bạn trẻ du học thích về Sài Gòn làm việc, và nếu ai đã vào Sài Gòn rồi khó ra Bắc lại, cũng đúng thôi, khi bạn đã quen nói những gì mình nghĩ rồi quên và bạn đã quen quên những gì người khác nói, thì bạn sẽ khó sống ở nơi luôn nhớ mọi điều bạn nói, kể cả khi bạn đã quên.
Nhưng sự ngầm hiểu ấy lại là một trong các yếu tố quan trọng nhất của nghệ thuật. Nói cho cùng thì nghệ thuật còn lại gì nếu như gạt đi những lớp nghĩa ngầm định bên dưới con chữ, thanh âm, ánh sáng và sắc màu?
Nên nếu bạn làm nghệ thuật, Hà Nội vẫn là cái nôi cho bạn, còn nếu bạn muốn kiếm tiền, muốn sống một cuộc sống trẻ trung và quyến rũ, hãy chọn Sài Gòn.
Những chỗ ở giữa hai thành phố này thực ra chỉ để cho vui mà thôi, để cho chúng có một khoảng cách đủ hấp dẫn nhau, thì phải.