Ru đời đi nhé

Ông ngồi giữa quán, hút căng phổi 1 bi thuốc lào. Thuốc nặng, ông chống cái điếu thẳng đứng để giữ thăng bằng, rồi cầm cốc trà đặc, uống một hơi hết nửa. Một lúc sau, ông nhìn thẳng lên trời mà khoe trăng, khoe tôi.Trăng hôm nay tròn nhỉ

Tôi ngước đầu lên, trời cao và đen xịt, một mặt trăng tròn, to, nhưng ánh sáng nhờn nhợt, cố sức giương mình ra cho mọi người ngắm. Mai có vẻ lại là một ngày trời lạnh. Rồi tôi quay sang ông, ông vẫn nhìn trăng, vẻ âu yếm, rồi ông quay sang nhìn đường, giọng kề khà, mắng cái xe đi qua chở đầy bụi.

-Đề hôm nay về con gì thầy

-31

Ông chửi,

-Mẹ nó chứ, 2 hôm liền về 31, may mà thầy không đánh, chứ không thì thầy mày mất đường về nhà.

-Thầy bỏ đề đóm đi, u mắng thầy hư thân, già mà còn hư thân

-Cái bà đấy chỉ được cái lắm mồm, trước thầy đi có việc nhà họ, uống ba chén rượu, bà ấy về mắng thầy mày đến hôm nay chưa dứt, đau đầu còn hơn say rượu, mới phải ra đây đấy chứ

-Thầy lớn tuổi rồi, sao mà uống rượu ít thôi

-Thế tao là thầy mày hay mày là thầy tao

-Thì là thầy con con mới lo cho thầy chứ

Ông lắc lắc đầu, chắc vừa thoát được vợ thì gặp ngay cái thằng như tôi. Có vẻ ông dỗi, quay ra nhìn đường, rồi lại quay vào tôi. Người già có nét đáng yêu riêng của họ, họ không để tâm đến sự thể, họ dỗi thật nhiều trong vài phút rồi lại thôi, người già là thế, tôi có đọc được ở đâu đó bảo rằng, khi chúng ta càng lớn thì chúng ta càng ít làm đi và nghĩ nhiều hơn, khi còn trẻ, ta chẳng cần nghĩ đã làm, đến khi già, chúng ta nghĩ chán rồi chẳng làm gì. Ông quát tôi

-Mày hôm nay thế nào, có ứng được con gì cho thầy mày không

-Con không biết, thầy đánh thử con 72 xem

Tôi không thích đề đóm, tôi cũng không đánh đề đóm bao giờ, nhưng tôi khoái ngồi bàn đề với thầy tôi, mỗi lần bàn đề ông thường tự chế ra đôi bài thơ, nghe chơi chơi khá là thú vị

-Bảy hai là số thất tài

-Hôm nay tao đánh ngày mai nó về

Đọc xong ông cười khằng khặc. Giơ tay, cao giọng gọi cho tôi một cốc trà ấm, cho ông 1 cốc trà ấm. Bà chủ quán mang 2 cốc trà ra, rồi quay vào cặm cụi. Vừa lau cái bàn khách mới về, vừa chửi thằng con chỉ suốt ngày ôm điện thoại.

Tôi ngả người ra ghế, cằn nhằn chuyện linh tinh với thầy, ông ngồi đung đưa, nghe hết và thi thoảng chửi tôi ngu. Tôi cãi lại, rồi ông lại cười.

Bỗng, tôi bảo tôi nhớ mẹ.

Tôi chợt nhận ra mình sai trong câu đó, ông ngồi im, chân vắt chéo, đang cười nói bỗng đăm đăm nhìn ra ngoài đường, ông không dỗi nữa, người già có nét đáng thương của họ. Có lẽ bằng tuổi tôi, ông cũng từng kể cho một ông già nào khác nghe rằng ông nhớ mẹ hay chăng. Hay, đến bây giờ, ông hiểu mẹ tôi nghĩ gì hơn tôi hay chăng, cũng có thể ông không còn đứa con nào để nó bảo nó nhớ mẹ. Tôi không biết, tôi thấy ông buồn, một mình. Chăm chăm nhìn trăng. Lâu lắm rồi tôi mới thấy ông như vậy, một lần gần nhất tôi thấy thế là hôm đứa con ông mất, vì tai nạn xe. Tôi nhớ lần đó ông uống rượu với tôi, rượu vẫn như mọi hôm, nhưng hôm đó ông chê đắng. Đắng, nhưng ông vẫn uống nhiều.
Quá chén, ngà ngà say. Ông bảo tôi rằng,

-Tao có cần nó báo hiếu gì tao đâu, tao cần nó sống vui là được, thế mà nó,..

Rồi ông không nói nữa, ông không khóc, ông cũng không nói gì nữa, đứng dậy mà lủi thủi đi về, tôi chào ông, ông quay lại nhìn tôi, rồi quay lưng đi, không nói gì, vẫn không khóc.
Cơn mưa bất chợt ập xuống, nhân gian bỗng buồn thiu, chiếc loa cũ quán trà đá phát nhạc Trịnh vang đều đều, giọng cô Khánh Ly khàn khàn cả con phố. Mưa rơi nhỏ, đều đều, nhưng lạnh thấu lòng tôi

Em về hãy về đi, ta phiêu du một đời
Hương trầm có còn đây, ta thắp nốt chiều nay
Xin ngủ trong vòng nôi, ta ru ta ngậm ngùi
Xin ngủ dưới vòm cây

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *