Bàn metro Bến Thành Suối Tiên

Ngày khai trương metro Bến Thành Suối Tiên.

Saigon, một ngày năm 2050 không bụi mịn, thức dậy lúc 5h sáng, đi 7 đường quyền dưỡng sinh, ra đầu ngõ ăn một tô phở Hào Sảng nhiều giá chần, dốc ngược ly cafe pin Con Ó đá bào, rồi đóng bộ suits may sẵn Ninh Hiệp xuất dư, băng qua đại lộ Ksor Hải ven Nhà Thờ Đức Bà, hướng về nhà ga huyền thoại. Hôm nay, con tàu thần thánh của người anh em Nhật Bản kỳ công điêu khắc trong 4 thập kỷ, đã chính thức vượt qua những bài kiểm tra khắt khe nhất, để bắt đầu hoà vào mạch máu giao thông của thành phố.

Ở cửa ga, chị nhân viên hướng dẫn nhân dân xếp hàng, do không thể hạch toán được chi phí đội vốn của dự án, ban quản lý quyết định cổ phần hoá toàn bộ, bán token cho khách đi tàu thay vé. Ở cửa tàu, khách được phát búi cọ xoong và hướng dẫn tự mài lớp bụi 40 năm cáu trên thành ghế, vừa giải thích rằng nhựa tuy hơi xuống màu nhưng đảm bảo không phai sang đít quần hành khách.

Khi còn đang loay hoay tìm chỗ ngồi, bỗng có tiếng loa thông báo vang lên, đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, tàu chuẩn bị đóng điện khởi hành, vì dùng công nghệ leng keng cấp điện tramline đời 1881 từ dây trần trên cao tăng tính vintage, nên đề nghị đồng bào không sờ vào nóc tàu và các khu vực bằng kim loại, đã có vài lãnh đạo nghiệm thu tí toáy bị giật quên cả bảng cửu chương, nên chúng tôi không chịu trách nhiệm nếu hành khách nào sờ mó, xin đồng bào ổn định chỗ ngồi và xin lỗi về sự bất tiện kể trên.

Bác lái tàu trầm tư, vừa cạo gỉ vừa khẽ xoa xoa vô lăng, mắt nhìn di ảnh treo trước táp lô, nói vọng lại là ngoài ngoải người ta dùng đồ Tàu đểu, nó xây sau mình 1 năm mà giờ thành hàng U30 rồi, mình trong đây xây trước mà giờ được dùng hàng măng non, Nhật xịn nguyên seal, để mấy chục năm trong kho mà bà con xem, lấy ra vẫn chắc như gạch Bát. Đấy bố tôi ngày xưa đi đào tạo vận hành tuyến này, nay đã theo Các Mác, tôi giờ tóc bạc phơ nối nghiệp đưa di ảnh theo trải nghiệm để cụ yên lòng. Mọi người gật gù khen cái anh Nhật kỳ công, tỉ mỉ, làm gì cũng không tiếc gì thời gian công sức.

Đoàn tàu lướt băng băng, băng băng, đi được 5 phút bỗng một chị khách rú lên bác tài ơi sao em thấy hình như tàu nó cứ rung rung. Bác lái tàu bảo chị lại luyên thuyên, tàu Nhật làm gì có chuyện rung lắc, đấy là cái trụ cầu nó rung thôi, nhà thầu Nhật bảo trụ tao xịn cơ mà đất mày đểu nên móng nó không ăn. Khách ồ lên, chửi Nhà Nước ăn bớt cả địa chất, chắc lại đào đất tốt của Saigon chở về Bắc xây cao tốc rồi tráo đất đểu nên nó mới thế.

Đoàn tàu lại băng băng, băng băng, 10 phút sau cả toa tàu nhảy dựng lên, khách tung như lật trứng, bác tài lại ôn tồn nói, mối nối hai trụ cầu vênh có tính toán, vừa khít để không văng tàu ra được, lệch cũng chỉ có 45 độ, cơ mà ngày xưa thầu Nhật gập đầu xin lỗi những 90 độ cơ, nên cũng thông cảm được. Cả đoàn tàu lại gật gù bảo ừ thế là lãi 45 độ rồi.

Đoàn tàu lại băng băng, băng băng, 20 phút sau bỗng nhiên phanh gấp, loa phát thông báo trụ tàu vừa rơi gối cao su, không có vấn đề gì nghiêm trọng, phụ lái đang xuống nhặt lên lắp lại, bà con nào có mang theo xôi sáng thì cho xin làm keo gắn tạm, lần sau nó sẽ lâu rơi hơn. Hành khách lại tấm tắc bảo nhau là ừ rơi thì lại nhặt, ngủ còn rơi gối nữa là đi tàu xịn hề hề.

Tàu vẫn tiếp tục băng băng, băng băng, phi vào con hầm tối như âm hộ, nhân viên thắp đèn bão dầu mazut, đi đến từng toa để phát xô nhựa, nhắc nhở là chỗ này ngập có tiêu chuẩn kỹ thuật, ngày xưa Nhật khảo sát thấy chất lượng nước ngầm tốt, nên bào mỏng tường vây đi nửa mét để thông – thuỷ, lúc tàu tạo hiệu ứng rẽ sóng sẽ có tí nước rỉ vào, cứ ngập đến mắt cá là bà con nhớ lấy xô tát đổ ra cửa sổ, toàn xô xịn Nhật để lại cả đấy. Mọi người đều lại xuýt xoa khen cái anh Nhật biết tính xa, lại đàng hoàng trong hậu mãi.

Tàu lại băng băng, băng băng, bỗng một chị sản phụ hét lên ối bác tài ơi hình như nãy đi qua đoạn xóc em vỡ mẹ nó ối rồi, nhân viên đến bắt tay chúc mừng

chị đã ăn jackpot, hồi bàn giao hợp đồng nghiệm thu có kèm điều kiện bảo hành là bà bầu nào đi qua đoạn lệch ray mà vỡ được ối là miễn phí 3 tháng tiền vé, đây mời chị theo nhân viên xuống kia ký nhận giải. Cả toa tầu trầm trồ, khen công trình Nhật hướng tới sự nhân văn, đâu đâu cũng ấm áp cái tình người.

Sau nửa ngày, tàu đã phi được về ga cuối, trời hướng Tây nắng đổ về chiều, thuê khách sạn, theo đúng lịch, chờ tàu bảo dưỡng 3 ngày để lên chuyến khứ hồi về quận Nhất, nhìn về phương Bắc xa xôi, cười khẩy bọn Hanoi mấy chục năm rồi vẫn phải đi tàu Tàu hàng đểu rẻ tiền, chẳng biết cái cảm giác ngồi trên toa tàu Nhật Bản đắt bằng 4 cái Kim Tự Tháp Giza của người Saigon văn minh và hào sảng vậy.